Đường đi tới làng dệt lanh (thổ cẩm) Lùng Tám ở Quản Bạ – Hà Giang

Posted by
Hình ảnh chụp tại làng thổ cẩm dệt lanh Lùng Tám Hà Giang
Hình ảnh chụp tại làng thổ cẩm dệt lanh Lùng Tám Hà Giang

Làng dệt lanh (thổ cẩm) Lùng Tám – Quản Bạ – Hà Giang nằm ở đâu và cách đi tới Lùng Tám như thế nào, đường có xa và khó không?

Từ TP Hà Giang lên tới cột cờ Lũng Cú xa 150km và bạn cần đi từ sáng đến chiều mới tới (vì phải nhẩn nha ngắm cảnh, chụp ảnh). Nhưng trên lộ trình dọc theo QL 4C qua huyện Quản Bạ, bạn sẽ thấy có một tấm biển chỉ đường vào 2 địa danh Lùng Tám – Cán Tỷ.

Có thể lang thang trên mạng, bạn đã từng đọc ở đâu đó nhắc tới cái tên đẹp và lạ lẫm này, thì nó chính là bản làng Lùng Tám ở huyện Quản Bạ, một nơi có cả hoa tam giác mạch và nghề dệt lanh thổ cẩm như ở Bản Lác – Mai Châu (Hòa Bình) nữa.

Cái gì lạ và đẹp thì hút du khách tới. Từ lâu nó đã trở thành địa chỉ đi lại thường xuyên của khách du lịch nước ngoài và những “tay” Phượt sành sỏi hoặc dân buôn lanh, còn đối với số đông du khách thì còn ít biết.

Đường vào làng Lùng Tám Hà Giang
Đường vào làng Lùng Tám Hà Giang

Trước, đường đi Lùng Tám Hà Giang khá khó khăn, toàn sỏi đá nhưng nay đường rất ngon rồi. Vậy làng dệt lanh Lùng Tám Hà Giang ở đâu, đi như thế nào để vào được?

Trên mạng có người viết Lùng Tám là một làng thuộc xã Cán Tỷ nhưng nói như vậy là sai. Lùng Tám và Cán Tỷ là 2 xã khác nhau, nằm cạnh nhau nên mới nói liền Lùng Tám – Cán Tỷ. Có người nói nó nằm ngay chân cổng trời Quản Bạ và núi đôi Cô Tiên – nếu nhìn rộng ra thì đúng như thế song để đi vào tới nơi cũng phải đi chừng hơn 10km.

Trên thực tế, nếu đi dọc theo QL 4C lên Yên Minh, Đồng Văn thì sẽ đi qua Cán Tỷ và muốn vào xã Lùng Tám thì phải rẽ phải đi thêm một đoạn (có nhiều chỗ để rẽ vào).

Những con đường từ TP Hà Giang lên Quản Bạ và vào làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
Những con đường từ TP Hà Giang lên Quản Bạ và vào làng dệt thổ cẩm Lùng Tám. Ảnh: Phạm Quang Anh

Sau khi rời khỏi TP Hà Giang, bạn đi chừng 50km là tới núi đôi & cổng trời Quản Bạ. Từ đây, xuôi đèo và đi qua thị trấn Tam Sơn (nằm ngay chân cổng trời), đi qua cây xăng Tam Sơn khoảng vài ki lô mét, bạn sẽ gặp một địa điểm được nhiều người gọi là Cua Tay Áo (7 cua hình tay áo gập) thuộc thôn Cốc Mạ. Đi tới cua thứ 7 là cua cuối cùng thì có con đường nhỏ rẽ phải vào Lùng Tám Hà Giang (phải đi vòng vèo một tí và qua cây cầu nhỏ bắc ngang sông Miện).

Nếu bạn lỡ rẽ ở cua tay áo thôn Cốc Mạ thì cứ đi tiếp lên đến khi nào gặp sông Miện (dòng sông này chảy về giữa trung tâm TP Hà Giang – sông chính) vẫn theo QL 4C. Cầu bắc qua sông gọi là cầu Cán Tỷ (tôi không nhớ chính xác). Qua cầu nhỏ nhỏ xinh xinh, bạn sẽ gặp cái biển trỏ một hướng đi thẳng là về Yên Minh và Đồng Văn (cùng hướng Cán Tỷ), còn rẽ phải là về Lùng Tám.

Nếu bạn không rẽ vào Lùng Tám Hà Giang thì cứ thẳng theo sông Miện mà ngược lên Cán Tỷ. Còn muốn tranh thủ vào Lùng Tám xem dệt thổ cẩm thì rẽ phải theo tỉnh lộ 181 (đường nhỏ hơn nhưng dễ đi và cũng đẹp, chỉ chốc lát là chạm vào Lùng Tám Hà Giang)

Nghe nói từ Lùng Tám – Cán Tỷ bây giờ có con đường đi tắt sang xã Lao Và Chải của huyện Yên Minh rút ngắn khoảng cách từ Quản Bạ đi Yên Minh nhưng tôi chưa thử.

Trẻ em tắm suối trên đường vào bản Lùng Tám Quản Bạ Hà Giang
Trẻ em tắm suối trên đường vào bản Lùng Tám Quản Bạ Hà Giang. Ảnh: Phạm Quang Anh

Có lẽ nói về các sản phẩm lanh, thổ cẩm thì trên internet có cả ngàn bài chia sẻ và tôi cũng không muốn nói thêm nữa. Tôi muốn viết những cái gì khác, bạn chưa đọc được ở đâu đó. Nếu chỉ được phép mô tả dăm câu ba điều thì nên nói như thế này:

Ở cả Mai Châu – Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai… đều có các làng dệt lanh và dệt thổ cẩm nhưng cách dệt ở làng Lùng Tám Hà Giang, sản phẩm của họ có nét độc đáo khác hẳn. Vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên và khí hậu không chỉ hình thành tính cách con người, phong tục khác nhau mà các sản phẩm của họ làm ra cũng có nét đặc thù, lạ lẫm.

Bạn mua một sản phẩm lanh của miền núi đá đi lại xa xôi cách trở chắc chắn sẽ khác các sản phẩm cùng loại mua ở nơi đã bị du lịch hóa, đô thị hóa thái quá. Nói chung, cái gì xa lạ và mới mẻ, ít người đi đến được cũng thích hơn.

Từ khóa: hướng dẫn đường đi vào làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám ở huyện Quản Bạ, Hà Giang, từ TP Hà Giang lên bao nhiêu km, đường có nguy hiểm khó đi không, có gì đẹp, có nên mua thổ cẩm, giá bán thổ cẩm