“Note” lại từng khoản [chi phí] du lịch Nepal (tự túc)

Posted by

Sau khi đọc xong bài review trước của Phạm Hồng Quân, có rất nhiều người muốn đi leo núi để thử sức mình, nhưng vấn đề mà nhiều người băn khoăn, quan tâm là tổng chi phí như thế nào, chuyến đi có tốn kém nhiều tiền không, cần mua những gì, ở đâu…

Vì vậy, trong review này, bạn ấy “note” lại tất tần tật những khoản chi phí cần phải bỏ ra cho cả chuyến đi leo núi trên đất nước Nepal xa xôi, mời mọi người cùng theo dõi:

Kinh nghiệm + chi phí du lịch Nepal tự túc (đi bụi)
Kinh nghiệm + chi phí du lịch Nepal tự túc (đi bụi)

Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ kinh nghiệm leo núi ở Nepal rồi, nhưng có nhiều bạn hiểu lầm nên mình xin đính chính lại về định nghĩa của trekking và climbing khác nhau như nào: Trekking (đi bộ dài ngày) và Climbing (leo núi) ở Nepal là khác nhau.

Trekking thì nhẹ nhàng thong thả, dễ hơn rất nhiều, không khắc nghiệt, không phải ngủ ngoài trời, không bị bỏng lạnh như mình ạ.

Các bạn sẽ ngủ ở những “tea house” hay “lodge”, trung bình cứ 3 – 4 giờ trekking lại có 1 cái tea house. Địa hình trekking ở Nepal cao nhất trung bình chỉ ở mức dưới 5.600m thôi nên các bạn yên tâm nhé.

Hôm nay mình xin chia sẻ thêm về chi phí trekking tự túc tiết kiệm nhất cho các bạn muốn đi Nepal. Hi vọng sau khi có được thông tin sơ bộ này, sẽ có nhiều người có thể đi khám phá, chinh phục các điểm cao ở Nepal một cách dễ dàng hơn.

Chi phí mua vé máy bay từ Việt Nam tới Nepal

Việc đầu tiên là book ngay con vé máy bay, nếu bạn săn được vé rẻ thì khoảng tầm 8 triệu VNĐ.

Từ Việt Nam qua Nepal không có chuyến bay thẳng nên mọi người sẽ phải transite (quá cảnh) qua một số nước như Malaysia, Thailand hoặc Taiwan…

Mình có thói quen an toàn nên cứ tìm website chính hãng mà đặt. Đợt mình đi hãng Malaysia Airlines có ưu đãi giá vé khứ hồi là 8.2 triệu VNĐ, đã bao gồm thuế và phụ phí, hành lí xách tay 7kg, kí gửi 20kg. Như vậy, tổng chi phí vé máy bay: 350$

Đặt phòng khách sạn tại Nepal

Sau khi đặt vé máy bay xong thì việc thứ hai chúng ta cần phải làm là đặt phòng tại Nepal. Có các web, apps đặt phòng phổ biến như booking.com, hotels.com, airbnb, tripadvisor… Mọi người có thể chọn cái nào hợp thì đặt. Mình thường đặt qua trang booking.com

Giá phòng

  • Giá phòng dorm tại Nepal rẻ nhất dao động 2$ – 3$ cho một ngày đêm (240 – 300 rupee Nepal)
  • Giá phòng đơn 5$ – 6$ cho một ngày đêm
  • Giá phòng đôi 10$ – 15$ cho một ngày đêm

Giá này là vào mùa cao điểm tháng 3 (chưa bao gồm bữa sáng) và giá có thể thay đổi. Ở TP Kathmandu của Nepal thì có một số khu mọi người có thể ở như khu Thamel, Boundha, Patan…

Mình khuyên các bạn nên ở Thamel, tiện cho việc mua sắm + trekking và di chuyển sau này. Nên nhớ tên + địa chỉ khách sạn để khai visa nhập cảnh

CHI PHÍ ĂN UỐNG: Theo kinh nghiệm của mình thì chỉ cần ở thành phố 2 ngày là khám phá tẹt ga rồi. Ăn uống ở đây cũng phải chăng, giá dao động 1$ – 10$ một bữa. Mình tính trung bình là 4$ cho 1 bữa, ăn đủ no đủ chất. Bữa sáng chỉ 2$.

Vậy tổng chi phí ăn uống + khách sạn như sau: 3$ ở dorm + 6$ ăn uống = 9$ cho 1 ngày x 2 ngày. Tổng là 18$ cho hai ngày.

Mua bảo hiểm du lịch Nepal ở đâu uy tín?

Đặt phòng xong thì cần tìm mua bảo hiểm. Mình ưu tiên AIG hơn, ưu điểm là dễ liên lạc, chấm hết. Giá bảo hiểm phụ thuộc vào độ dài chuyến đi của bạn và gói bạn lựa chọn (cao cấp, phổ thông, đặc biệt có hết). Bạn nên chọn gói có cover cả helicopter rescue đề phòng trường hợp không may xảy ra.

Trekking là không bắt buộc. Nếu bạn “climbing” thì gói có trực thăng giải cứu trong trường hợp khẩn cấp là bắt buộc. Giá khoảng 700.000 đồng cho 15 ngày. Tổng chi phí: 700K ~ 30$

Phí visa để du lịch Nepal

  • 15 ngày 30$
  • 30 ngày 50$
  • 90 ngày 125$

Mọi người có thể apply visa online từ ở nhà hoặc đến nơi, xuống máy bay làm thủ tục cũng được. Thủ tục rất đơn giản, có nhân viên mặt đất ở sân bay hướng dẫn. Đóng phí tại sân bay luôn.

Sân bay quốc tế Tribhuvan
Sân bay quốc tế Tribhuvan

Nên nhớ là với visa du lịch thì mọi người chỉ được ở Nepal tối đa 150 ngày. Quá hạn visa phải đóng phí 2 USD/ngày.

Vậy nên đi bao nhiêu ngày? Nếu bạn chỉ đi trekking ở Annapurna Base Camp hoặc Langtang Valley, Manaslu Valley… thì theo mình, chỉ cần 15 ngày (tức 2 tuần) là đủ.

Nhưng nếu có 20 ngày để đi trekking Everest Base Camp hoặc Annapurna Circuit, Three Pass Trek, Mustang Valley… thì chắc chắn bạn sẽ thong thả hơn, vừa đi vừa nghỉ, đi nửa buổi, chơi nửa buổi.

Tổng chi phí visa: 30$ cho 15 ngày

Tiền taxi để đi lại, di chuyển

Tiền đi taxi từ sân bay Nepal về khu Thamel khoảng 600-700 rupee. Nếu bạn hạ cánh ban đêm thì về Thamel khoảng 800 rupee. Sau khi hạ cánh, lấy hành lý xong, bạn ra cửa sân bay đổi khoảng 10$ để trả tiền taxi nhé. Tổng: 8$

Nhưng không nên đổi hết ở sân bay vì ở đây tính thuế, bạn chỉ đổi một ít đủ tiền taxi rồi về Thamel đổi sau, sẽ được tỉ giá cao hơn.

Chi phí du lịch Nepal (đi tự túc – bụi) hết khoảng bao nhiêu tiền? Các địa điểm du lịch, lịch trình đi lại, các khoản cần chi tiêu… thế nào?

Theo kinh nghiệm của mình, chúng ta nên dành 1-2 ngày để dạo loanh quanh TP Kathmandu của Nepal để kết hợp đi trekking với du lịch bụi khám phá luôn. Có nhiều thứ để chơi nhưng mục đích chính là đi trekking thì chỉ cần 1 ngày ở Kathmandu của Nepal là đủ.

Hình ảnh đẹp nhất ở trung tâm thủ đô Kathmandu của Nepal (2)
Hình ảnh đẹp nhất ở trung tâm thủ đô Kathmandu của Nepal

#Ngày thứ nhất, dạo chơi và ăn uống ở Thamel

Việc đầu tiên là “đổi tiền” trong TP Kathmandu của Nepal (hãy đổi từ VND sang USD trước ở Việt Nam, sang đây chỉ đổi từ USD sang rupee thôi). Hãy lượn lờ khắp ngõ ngách phố phường, chỗ nào tỉ giá cao thì đổi.

Đi du lịch tự túc thì mọi người nên tới Nepal Tourism Board (địa chỉ trên Google Maps ở đây nhé, cách Thamel khoảng 2km đi bộ) để làm các thủ tục quan trọng là TIMS và Entry Permit:

  • TIMS là Trekkers’ Information Management Systems – dịch nôm na là thông tin trekker để quản lý, nếu bạn bị lạc, người ta còn biết bạn ở khúc nào mà tìm
  • Entry Permit – mua vé vào vườn quốc gia. Tùy vào cung mà bạn trek và vườn quốc gia mà bạn vào giá sẽ khác nhau.

Mình chỉ đề cập 2 cung phổ biến mà nhiều bạn biết là Annapurna Base Camp – ABC và Everest Base Cam – EBC nhé:

  • Đối với cung trekking ABC: Lệ phí cho TIMS là 2.000 rupee nếu đi 1 mình hoặc 1.000 rupee nếu đi theo nhóm + lệ phí mua Entry Permit là 3.000 rupee. Tổng là mất 5.000 rupee.
  • Đối với cung trekking EBC: Lệ phí làm TIMS tương tự như trên: 2.000 rupee nếu đi 1 mình hoặc 1.000 rupee nếu đi theo nhóm + Entry Permit

Thủ tục của họ làm rất nhanh gọn. Mình đến nơi lấy tờ khai, khai xong chờ đóng dấu, nộp tiền. Mất khoảng 15 – 40 phút. Đi đổi tiền thì tranh thủ mua sắm đồ còn thiếu vì Nepal Tourism Board tới tầm 10 giờ sáng mới mở cửa, đóng cửa lúc 17 giờ). Xong xuôi thì dạo chơi thôi, bạn có thể đến một số nơi gần như:

  • Kathamandu Durbar Square (vé vào cửa 1.000 rupee)
  • Swayambhunath Stupa hay còn gọi là Monkey Temple – “Đền khỉ” (vé vào 200 rupee) cẩn thận ko bị giật mất đồ nhé.
  • Garden of Dreams (vé vào 200 rupee)

Một số nơi xa hơn như:

  • Boudhanath Stupa – cái stupa to nhất (400 rupee)
  • Patan Durbar Square (vé vào 1.000 rupee)
  • Bhaktapur Durbar Square (vé vào 1.500 ruppe)
  • Pashupatinath (nơi hỏa táng người chết): vé vào 1.000 rupee
  • Nagarkot (vé vào 340 rupee)

Ngoài ra còn có một số bảo tàng quốc gia, vé vào cửa từ 100 – 200 rupee nhé (mang máy ảnh vào thì + 200 rupee)

Tất cả những Durbar Square hay Stupa ở trên là địa điểm mở (tức là có nhiều lối vào) nếu bạn biết cách vào thì sẽ không mất phí. Nhưng mình không khuyến khích.

Note: Với những địa điểm ở gần thì bạn có thể đi bộ được, vì mình đã từng đi bộ. Còn xa thì taxi.

Vậy tổng kết chi phí cho 1 ngày ở Thamel như sau: 5.000 rupee + 2.000 rupee (mình tính bạn nào đi căng nhất được 4 địa điểm mình kể trên thôi nhá). Tổng: 7000 rupee

#Ngày thứ 2, chán Thamel, bắt đầu di chuyển đến vùng núi Pokhara để trekking

Đối với trekking cung ABC: có thể bắt xe bus để di chuyển tới Pokhara. Cụ thể:

  • Tourist bus, giá 700 rupee đi Pokhara (bến xe bus rất gần, có thể đi bộ, cách Thamel 500m) (lên Google Maps tìm “Tourist bus station” cái gần nhất nằm ở Swayambhu Marg
  • Local bus, giá 400 rupee đi Pokhara (bến xe xa hơn nhưng vẫn đi bộ được, 2km)

Note: Nên đi tourism bus hơn. Và không cần mua vé trước, có rất nhiều xe khởi hành liên tục bắt đầu từ 7 giờ sáng. Vì vậy, mọi người nên có mặt ở bến xe lúc 7 giờ sáng.

Sau khi đến Pokhara, mọi người có thể lựa chọn ở lại đây 1 hôm để khám phá Phewa Lake hoặc di chuyển tiếp đến Ghandruk để bắt đầu trekking vào ngày hôm sau.

Nếu ở lại, giá phòng như ở Kathmandu. Nếu di chuyển tiếp, bạn sẽ phải đi từ Tourist bus station ra Local bus station (giá taxi 200 ruppe) để bắt xe đi Ghandruk tiếp, giá 300 rupee.

Đối với trekking cung EBC (ao ước của rất nhiều bạn): Bình thường sẽ đi bus từ Kathmandu đến Manthali khoảng 4 tiếng, đến sân bay Ramechhap rồi bắt máy bay, bay đến Lukla, giá vé máy bay dao động từ 100$ – 180$. Đắt xắt ra miếng nhưng bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác cất cánh – hạ cánh ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới (sân bay Tenzing-Hillary)

Hình ảnh thủ đô Kathmandu của Nepal (1)
Hình ảnh thủ đô Kathmandu của Nepal

Lựa chọn thứ 2 là đi xe bus từ TP Kathmandu tới Salleri. Bạn sẽ phải có mặt ở bến xe bus Chobahil Chowk Bus Station, Kathmandu. Và đây là lựa chọn của nhiều bạn du lịch bụi, có nhiều thời gian nhưng ít tiền.

Giá vé rất rẻ, chỉ từ 2.000 – 2.500 rupee. Và bạn bắt đầu trekking từ Salleri – Nunthalla – Puiya – Lukla … (mất 2 ngày trekking để đến được Lukla nhưng tiết kiệm được rất rất nhiều tiền). Sau đó bắt đầu hành trìnk trekking từ Lukla lên Everest Base Camp như bình thường. Bạn nào không có nhiều tiền nhưng muốn chinh phục độ cao 5.364m EBC thì dùng cách này.

Lên đường chinh phục cung Everest Base Camp
Lên đường chinh phục cung Everest Base Camp. Photo: Phạm Hồng Quân

Tổng chi phí x 2 chiều như sau:

  • 2.400 rupee di chuyển đến Ghandruk bắt đầu trekking cung ABC
  • 5.000 rupee di chuyển đến Salleri bắt đầu trekking cung EBC

Chi phí cho những ngày bắt đầu leo núi (trekking):

Theo mình tính toán thì trung bình mỗi ngày bắt đầu hành trình trekking, các bạn sẽ chi tiêu khoảng 1.200 rupee, trong đó:

  • 200 rupee cho bữa sáng
  • 350 rupee cho bữa trưa
  • 350 rupee cho bữa tối
  • 100 – 200 rupee cho phòng ở. Đôi khi nếu bạn mặc cả được rằng bạn sẽ ăn tối ở chỗ họ thì có thể sẽ được miễn phí chỗ ở.

Còn lại, các chi phí lẻ tẻ lặt vặt khác như sạc điện thoại, sử dụng, tắm nước nóng thì mỗi dịch vụ mất khoảng 200 rupee. Nếu mang sạc dự phòng 20.000 mAh thì tiết kiệm được thêm tiền

Càng lên cao giá càng đắt nhưng ở đây mình đã tính trung bình giá cả ở thấp lẫn cao để ra giá trung bình cho 1 ngày cần chi tiêu.

Ở đây, mình không đề cập cụ thể lịch trình, vì tùy từng sức khỏe mỗi người. Nhưng thông thường trekking chỉ từ 12 -15 ngày là đủ, đối với cả 2 cung ABC và EBC.

Tổng chi phí leo núi trong 15 ngày: 1.200 rupee x 15 ngày = 18.000 rupee, tức xấp xỉ 150$. Tổng cộng chi phí du lịch + leo núi tại Nepal tạm tính như sau:

  • Chi phí cho cung Annapurna B.C: 661$ ~ 15 triệu VNĐ
  • Chi phí cho cung Everest B.C: 686$ ~ 16 triệu VNĐ

Vậy với khoảng 16 triệu trong tay là bạn thoải mái tự tin đến Nepal chinh phục dãy Himalaya rồi. Không hề tốn kém đắt đỏ như nhiều người vẫn nghỉ đúng không nào!!!

Bài viết này của mình chỉ tính ở mức tối thiểu, đã dôi dư ra 500K đến 1 triệu VNĐ. Chưa tính đến tiền mua sắm thêm đồ trekking và mua quà.

Và bài viết này chỉ dành cho trekking nha. Còn climbing ở Nepal thì bạn sẽ phải chi trả thêm cho nhiều chi phí khác nữa. Tối thiểu là 35 triệu VNĐ trở lên cho tổng hành trình, bao gồm: giấy phép leo núi, lương thực thực phẩm highcamp, sherpa dẫn đường, trang thiết bị leo núi, fix rope…

Thế thì đi trekking và đi leo núi ở Nepal cần phải chuẩn bị mua sắm, mang theo những gì? Mục này mình đã chia sẻ trong bài viết này rồi nha: Hướng dẫn kinh nghiệm đi leo núi ở Nepal (những gì phải có)

Từ khóa: review kinh nghiệm, chi phí du lịch nepal tự túc, đi du lịch bụi nepal, các khoản chi tiêu, mua sắm, ăn ở, đặt khách sạn, mua vé máy bay

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *