Leo núi Phú Sĩ [2N1Đ] cần chuẩn bị những gì?

Posted by

Ba câu hỏi quan trọng nhất khi đi leo núi Phú Sĩ: cần chuẩn bị những gì, nên leo tháng mấy và thời gian leo mất bao lâu?

Hướng dẫn kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ Nhật Bản
Hướng dẫn kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ Nhật Bản

Tóm tắt

  • Nên leo núi Phú Sĩ vào tháng 7-8-9 sẽ không có tuyết
  • Tổng thời gian leo cần khoảng 2 ngày 1 đêm là khỏe
  • Cần chuẩn bị đủ tiền và các thiết bị bảo hộ bên dưới
  • Từ Tokyo nên di chuyển bằng xe bus tới thẳng trạm (tầng) 5 rồi bắt đầu leo

Mời cả nhà cùng tham khảo review + hướng dẫn chi tiết kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ (Nhật Bản) của bạn Bùi Tâm dưới đây:

Giới thiệu sơ về vẻ đẹp lạ của núi Phú Sĩ

Trước khi đi chi tiết vào việc di chuyển, ăn ở như thế nào, cần chuẩn bị mua + mang theo những gì, mình nói sơ một chút về núi Phú Sĩ nha.

Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản, với độ cao là 3.776m so với mực nước biển. Độ cao này ngang ngang với vùng bằng phẳng ở thành phố Leh (Ladakh, Ấn Độ) nếu mà có bạn nào đã từng đi.

Nếu mà tới Leh, mọi người bị say độ cao, di chuyển tới lui khá là mệt mỏi, nặng nề vì không khí loãng thì trên đỉnh núi Phú Sĩ cũng y chang vậy nha. Nên bạn nào thể trạng yếu, máu huyết lưu thông không tốt thì dễ bị ngất xỉu, nên chuẩn bị sẵn bình oxy.

Phú Sĩ vốn là một ngọn núi lửa đã tắt (xem thêm trên wikiPedia). Lần phun trào cuối cùng là vào năm 1707-1708. Phú Sĩ nằm cách thủ đô Tokyo của Nhật khoảng 100km về phía Tây Nam. Như vậy là không quá xa đúng không?

Vào những ngày đẹp trời, nhất là vào mùa đông, khi không khí không bị sương mù, ta có thể lên những ngôi nhà cao tầng của Tokyo là có thể trông thấy được núi Phú Sĩ ở đường chân trời rất đẹp (kiểu như lên các nóc nhà cao tầng ở Hà Nội có thể trông rõ ngọn Ba Vì, Tam Đảo ở phía Tây Bắc đó ạ, keke).

Ngọn núi này có hình đối xứng hai bên một cách hoàn hảo, lại có chóp núi đóng tuyết 5 tháng liền mỗi năm, tạo thành một biểu tượng đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.

Mình cứ hay đùa với mấy người bạn khi qua Nhật là cái đất nước này lạ lắm, nó sinh ra người Nhật hết sức ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ và cây cối ở đây cũng ngay hàng thẳng lối, tới cả cái quả núi Phú Sĩ này cũng đối xứng tăm tắp y chang tính cách người Nhật luôn. Thật là lạ và nể quá đi à!

Do là núi lửa nên rất ít cây cối mọc được trên núi Phú Sĩ, vì toàn dung nham đen như than í. Chỉ phía dưới thấp thì cây cối mới mọc được.

Những chặng đầu tiên từ tầng 5 lên đỉnh núi
Hướng dẫn kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ: những chặng đầu tiên từ tầng 5 lên đỉnh núi

Dưới chân núi, có một khu rừng, gọi là “rừng tự sát Aokihara” mà mình đã ghé thăm lần trước và đã viết bài về khu rừng này.

Review + hướng dẫn cách leo núi Phú Sĩ

Theo kinh nghiệm, mình book chuyến bay qua Tokyo vào cuối tháng 7, vì muốn tránh thời gian đầu mở cửa sẽ đông đúc quá.

Thời điểm – thời gian có thể leo núi Phú Sĩ

Có thể leo núi Phú Sĩ vào tháng mấy? Do đặc điểm địa hình và khí hậu khắc nghiệt nên chính phủ Nhật chỉ cho du khách được phép leo núi Phú Sĩ tự do vào ba tháng 7-8-9. Bởi vì ba tháng mùa hè thì tuyết trên đỉnh tan hết, nên từ nam phụ lão ấu đều có thể leo thuận lợi. Những tháng còn lại, tuyết đóng dày trên đỉnh rất nguy hiểm, nên sẽ bị cấm leo.

Mình leo vào chủ nhật, nên đông hơn ngày thường một chút mọi người à. Nếu ai thích vắng thì chọn ngày trong tuần nha.

Cuối tuần, số người leo núi Phú Sĩ đông hơn ngày thường
Cuối tuần, số người leo núi Phú Sĩ đông hơn ngày thường. Trong ảnh là 1 đoàn leo núi có HDV bản địa đi cùng

Núi Phú Sĩ nằm ở khu Tây Nam của Tokyo nên có rất nhiều hướng di chuyển tới đây. Có nhiều người di chuyển từ các tỉnh như Kyoto, Osaka lên. Nhưng di chuyển gần và tiện nhất là từ Tokyo lên.

Từ Tokyo đi núi Phú Sĩ bằng cách nào?

Mình chọn hướng đi từ Tokyo vì thuận tiện đi lại. Nếu đi từ Tokyo, mọi người có thể đi tàu điện JR hoặc đi xe bus tốc hành. Có tàu điện tới tận chân núi Phú Sĩ nha mọi người.

Đi tàu điện JR dành cho những ai có mua JR Pass sẽ tiết kiệm hơn. Tuy nhiên tàu chỉ dừng ở ga Kawaguchiko là ga cuối cùng dưới chân núi ạ.

Khoảng cách từ ga trung tâm Tokyo Station tới Kawaguchiko Station khoảng 130km. Từ ga này, mọi người phải bắt một chuyến bus lên trạm 5 của núi Phú Sĩ để bắt đầu leo.

Còn đi xe bus tốc hành, ta có thể đi thẳng từ ga Shinjuku ở Tokyo tới trạm 5 luôn ạ, rất nhanh.

  • Nếu đi tàu điện: cần xuống ở ga Kawaguchiko Station, sau đó đi xe bus lên trạm 5.
  • Nếu đi xe bus: cần đi từ ga Shinjuku (Tokyo) tới thẳng trạm 5

Do đó, mình chọn cách đi xe bus tốc hành từ Shinjuku. Ga Shinjuku Station là một “hub” rất lớn, đầu mối giao thông của metro, JR và xe bus tốc hành đi các tỉnh. Nếu đi metro tới Shinjuku, ra khỏi ga thì qua bên kia đường, tìm Shinjuku Bus Express.

Xe bus đưa tụi mình tới tận chân núi Phú Sĩ
Xe bus đưa tụi mình tới tận tầng 5. Đằng sau là đỉnh Phú Sĩ đó ạ!!!

Review Shinjuku Bus Express đi núi Phú Sĩ:

  • Nên mua vé trước 1 ngày để đảm bảo là còn chỗ nha vì đôi khi người ta đi đông quá sẽ hết vé
  • Có thể mua vé ở máy bán vé tự động rất nhanh. Bạn có thể nhờ nhân viên phòng vé chỉ cách mua cho chính xác nha
  • Mỗi vé là 2.900 yên Nhật, tương đương 580K của mình
  • Xe rộng rãi, chỗ để chân thoải mái, bao sạch đẹp

Mình đi vô bến xe Shinjuku là mình liên tưởng ngay tới bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây ở Sài Gòn mà lòng nặng trĩu. Tokyo không có nhiều đất nên họ xây bến xe rất nhỏ. Để đủ chỗ, họ bắt buộc phải xây nhiều tầng.

Xe đậu ở tầng hầm rất ngăn nắp, tới đúng giờ xe sẽ chạy tới cổng y như đi máy bay, mình chìa vé cho nhân viên, đúng vé đúng số ghế là lên.

Xe đến cổng trước 10 phút, đúng 10 phút là lăn bánh, không có ngoại lệ. Bến xe sạch bong, hoạt động nhịp nhàng, êm đềm, không còi xe inh ỏi, không bạn hàng níu kéo, không cóc ổi mía ghim như Việt Nam ạ.

Lên xe ngủ 3 tiếng đồng hồ là tới trạm 5. Mình chọn leo từ trạm (tầng) 5 (và cũng là đường leo phổ biến cho mọi người) chứ không đi từ chân núi cho đỡ mệt.

Những thứ cần chuẩn bị để leo núi

Tới trạm, đầu tiên là thay quần short, mang giày leo núi vào. Giày nên là giày đúng chuẩn leo núi của The North Face hay một số hãng tương tự, không nên mang giày chạy bộ để leo vì độ bám không đủ, có thể gây trượt, rất nguy hiểm (xem thêm hướng dẫn cách chọn loại giày leo núi ở đây).

Loại giày nên dùng leo núi Phú Sĩ
Loại giày nên dùng leo núi Phú Sĩ
  • Mua nước dự trữ 1 chai lớn trong ba lô, 1 chai nhỏ nhét bên hông để uống
  • Mua thêm 5 túi gel năng lượng bán ở cửa hàng tiện lợi để ăn khi đói
  • Mua thêm 3-4 thanh chocolate để ăn nếu cần ngọt để tăng năng lượng và giữ ấm
  • Từ tầng 5 lên tầng 8, ta mặc đồ ngắn vì trời rất nóng
  • Trong ba lô cần mang theo đồ lạnh vì từ tầng 8 lên tới đỉnh thì nhiệt độ xuống chỉ còn 10 độ C vào ban ngày và 5 độ C ở trên đỉnh vào sáng sớm
  • Luôn phải mang thêm áo mưa vì từ tầng 7 trở lên thì rất hay có mưa nhỏ. Áo mưa nên là dạng bộ áo quần để dễ di chuyển. Cần tránh mang áo mưa cánh dơi vì rất lùm xùm, nó sẽ choán tầm nhìn của mình khi nhìn xuống bước chân phía trước, dễ bị ngã
  • Nên có thêm nón (mũ) đi mưa rộng vành để chắn nước bắn vào mặt và mắt
  • Nên chuẩn bị 1 gậy leo núi vì nó rất hữu hiệu để trợ lực khi leo núi. Gậy có thể mua ở tầng 5 cũng được, mình đã mua 1 cây gậy gỗ thông, trên đó có treo lá cờ Nhật rất đẹp. Dùng xong mình đã đặt nó lại ngay chỗ bán để cho ai cần thì dùng
  • Nên chuẩn bị 1 đèn pin vì ta sẽ leo núi trong đêm và sáng sớm
Gậy leo núi bán rất nhiều ở tầng 5
Gậy leo núi bán rất nhiều ở tầng 5

Nơi ăn – ngủ – vệ sinh trên núi thế nào?

Nhiều người đi leo núi thường lo lắng không có chỗ để giải quyết nỗi buồn, lại ngủ qua đêm nên hay ngại chuyện này.

Trước khi đi, trong đầu mình đã tưởng tượng ra viễn cảnh phải tìm chỗ giải quyết vào ban đêm thiệt là nan giải. Nhưng mình đã lầm. Nước Nhật nổi tiếng về sự tiện lợi, người Nhật làm mọi thứ để cuộc sống thoải mái, dễ chịu hơn. Nên việc leo núi Phú Sĩ cũng không ngoại lệ.

Dừng chân nghỉ ngơi bên quán tạp hóa trên đường leo núi
Dừng chân nghỉ ngơi bên quán tạp hóa trên đường leo núi

Người Nhật đã xây nhà nghỉ, quán ăn rải đều khắp các tầng (trạm), bán luôn bình oxy cho ai khó thở. Nhà vệ sinh luôn có đủ, tới nỗi có nhiều trạm rất cao, họ có nhà vệ sinh cổng tự động, nhét tiền xu vào là cổng xoay cho vào luôn.

Nhà nghỉ tạm trên núi Phú Sĩ dành cho du khách đi leo núi
Nhà nghỉ tạm trên núi Phú Sĩ dành cho du khách đi leo núi

Và điều amazing nhất là ngay trên đỉnh Phú Sĩ có luôn máy bán nước tự động bằng tiền xu, nhà hàng phục vụ các món ăn nóng và nhanh.

Điều mình cảm phục nhất là người Nhật làm cuộc sống thoải mái, và chỉ dừng lại ở mức thoải mái chứ không làm con người ta lười biếng. Họ không bắt cáp treo lên đỉnh Phú Sĩ như ở đỉnh Fansipan của Việt Nam mình ạ (ôi lạy Chúa và lạy Phật!) để giữ lại ý nghĩa của việc chinh phục một ngọn núi, và nhất là không đối xử thô bạo với tự nhiên.

Leo núi Phú Sĩ mất bao lâu?

Mình xuất phát ở ga Shinjuku vào tầm 12 giờ trưa thì tầm 15 giờ chiều là tới trạm 5. Đi thong thả lên thì khoảng 19-20 giờ tối sẽ tới tầng 8. Có rất nhiều nhà nghỉ từ tầng 8 trở lên, nên chúng ta có thể yên tâm.

Giá nhà nghỉ trên núi Phú Sĩ

  • Giá nhà nghỉ cho mỗi người là 6.000 yên, tương đương 1,2 triệu VNĐ. Nếu ăn tối thì thêm 1.000 yên nữa.
  • Phòng lót chiếu tatami, mỗi người một túi ngủ nằm san sát nhau.
Nhà nghỉ trên núi Phú Sĩ
Hình ảnh bên trong 1 nhà nghỉ trên núi Phú Sĩ của tụi mình

Ăn tối xong là 21 giờ đêm, nhà nghỉ đóng cửa để đi ngủ. Tới 1 giờ sáng hôm sau, mọi người bắt đầu thức dậy để leo tiếp lên đỉnh núi.

Bắt đầu leo lên đỉnh núi ngắm bình minh

Tầm 2 giờ sáng, tụi mình bắt đầu leo trong bóng đêm. Trời đã rất lạnh nên mặc rất nhiều lớp quần áo. Mỗi người cầm 1 cây đèn, tưởng là lẻ loi, nhưng bên ngoài hàng đoàn người đã bắt đầu rầm rập xuất phát.

Trên đầu, trăng non đã lên, mỏng như lá lúa uốn cong. Chưa bao giờ ngắm trăng ở một tầm cao như thế này, cứ ngỡ mình đang ở một hành tinh nào đó xa lạ trong vũ trụ.

Từ tầng 8 trở lên, cứ khoảng 100m là có một nhân viên bảo vệ của núi Phú Sĩ đứng chỉ đường, điều phối, phân luồng giao thông nếu có tắc nghẽn. Mình cứ cảm giác lúc nào cũng được bảo vệ.

Đặc biệt, ở một trạm gần tới đỉnh, có 1 nhân viên hướng dẫn là một cô gái Nhật rất trẻ. Cô ấy ra hiệu lệnh chỉ đường rất nhiệt tình, hăng hái. Một cô gái lại chọn công việc nặng nhọc thế này, ở độ cao này, vào thời điểm này, với lòng nhiệt thành hiếm có, chẳng thể hiểu nổi.

Khi lên tới đỉnh núi, khoảng 4 giờ 30 thì mặt trời sẽ mọc. Mọi người tới sớm ai cũng tìm cho mình một chỗ tốt để chụp ảnh.

Mọi người đứng chờ khoảnh khắc mặt trời mọc để chụp ảnh
Mọi người đứng chờ khoảnh khắc mặt trời mọc để chụp ảnh. Photo: Bùi Tâm

Mình thì đói quá, định mua mì gói ăn nhưng quán quá đông nên đành lấy chocolate ra ăn tạm, ngồi gà gật đợi mặt trời. Mặt trời mọc khoảng 2 phút, mọi người tản ra đi chụp ảnh lưu niệm với miệng núi lửa khổng lồ ngay phía sau lưng quán trọ.

Hàng ngàn người leo núi mỗi ngày nhưng tuyệt nhiên không có một mảnh rác vứt lại trên núi Phú Sĩ. Ai cũng đem một túi nhỏ đựng rác cá nhân của mình. Họ cũng không vứt rác lại ở nhà vệ sinh dọc đường. Rác của ai người ấy tự mang về thành phố ạ.

Lên thì lâu chứ lúc xuống núi sẽ nhanh hơn, chỉ mất khoảng 3 tiếng ạ. Việc đầu tiên xuống tới chân núi là ăn một tô mì ramen đã đã rồi leo lên xe ngủ cho tới Tokyo. Xong về khách sạn tắm rửa sạch sẽ, ăn một đĩa sushi và ngủ tiếp 12 tiếng đồng hồ tới sáng hôm sau vì kiệt sức. Mọi người muốn tìm chỗ đặt khách sạn ở Tokyo để ăn chơi thì tham khảo bài này nha: Tại Tokyo nên ở khách sạn APA Shinjuku-Kabukicho Tower

Chi phí leo núi Phú Sĩ

Tổng chi phí chuyến leo núi 2 ngày 1 đêm (ngủ lại trên núi) của tụi mình là 18.000 yên (khoảng 3,6 triệu Việt Nam đồng). Tất nhiên chưa tính tiền vé máy bay qua Nhật và tiền ăn ở tại Tokyo nha.

Chuối và nhiều mặt hàng khác được bán tại các tiệm tạp hóa nhỏ ở mỗi tầng lên núi Phú Sĩ
Các tiệm tạp hóa ven đường từ tầng 5 lên bán đủ thứ đồ ăn, 1 trái chuối là 200 yên (khoảng 40K)

Núi Phú Sĩ nằm rất gần Tokyo nên hàng tuần có rất rất nhiều khách du lịch tới đây xả hơi. Có những người không thích leo núi vì sợ mệt mà họ chỉ đi cắm trại ở các hồ nước nằm quanh chân núi. Cắm trại cũng thích lắm nha mọi người, đã có review ở đây rùi ạ: Kinh nghiệm cắm trại [2 ngày 1 đêm] dưới chân núi Phú Sĩ

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *