Review 1 tour đi Hòn Cau [Côn Đảo] – “lễ cô Vân” (thuê cano riêng)

Posted by

Đi Hòn Cau (Côn Đảo) thế nào? Giá thuê cano riêng để đi tự túc là bao nhiêu tiền? Nếu đi theo tour (ghép đoàn) thì có rẻ không, nên mua ở đâu?

Hướng dẫn cách đi Hòn Cau lễ cô Vân

Phần lớn những người kinh doanh, làm ăn buôn bán ở Hà Nội và TPHCM rất mê đi Côn Đảo lễ cô Sáu (để cầu tài lộc, thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt, mua may bán đắt)…

Cô Sáu ở đây chính là cô Võ Thị Sáu (hoặc chị Võ Thị Sáu) mà trong sách lịch sử luôn nhắc tới với biểu tượng “người con gái đất đỏ” – nữ anh hùng của nước ta.

Nghe đồn rằng đi lễ cô Sáu rất thiêng. Hiện mộ cô Sáu nằm ở nghĩa trang Hàng Dương – trung tâm Côn Đảo (cùng với hàng ngàn mộ liệt sỹ khác).

Cách nghĩa trang Hàng Dương một chút là nghĩa trang Hàng Keo, nơi đang yên nghỉ của hàng ngàn mộ liệt sỹ vô danh.

Trên đảo chính của Côn Đảo (chủ yếu là ở phía nam và ở trung tâm thị trấn) còn có rất nhiều di tích tâm linh khác nữa, như miếu thờ bà Phi Yến (vợ vua Gia Long Nguyễn Ánh), miếu cậu Cải (con bà Phi Yến), rồi miếu “5 cô”, miếu Ngũ Hành và chùa Núi Một (ngôi chùa duy nhất ở đảo)…

Cho nên, phần đa là dân làm ăn buôn bán ở đất liền ra Côn Đảo để cầu cúng. Và đặt chân tới Côn Đảo thì không chỉ có đi lễ cô Sáu mà họ thường đi lễ luôn một vòng các điểm mà mình kể tên ở trên – mỗi nơi cầu một thứ, ví dụ cầu sức khỏe, cầu tình duyên, cầu tài lộc…

Nhưng ở Côn Đảo còn có 1 nơi mà chỉ có dân buôn bán làm ăn chuyên nghiệp biết và họ luôn tìm cơ hội để đi tới đó bằng mọi giá. Đó chính là miếu cô Vân ở Hòn Cau của Côn Đảo.

Hình ảnh đảo Hòn Cau & miếu cô Vân ở Côn Đảo - nơi được đồn rằng rất linh thiêng
Hình ảnh đảo Hòn Cau & miếu cô Vân ở Côn Đảo – nơi được đồn rằng rất linh thiêng

Bạn hình dung, Côn Đảo là một quần đảo, gồm đảo lớn và nhiều đảo vệ tinh ở xung quanh. Hòn Cau là một vệ tinh như thế. Do đó, sau khi đặt chân tới Côn Đảo, bạn còn phải thuê cano để đi ra Hòn Cau nữa.

Côn Đảo đã đẹp lắm rồi. Nhưng Hòn Cau còn đẹp nữa. Trên hòn, có miếu thờ cô Vân, nghe đồn là rất linh thiêng, mà nếu bạn lễ xong cô Sáu rồi, nếu đi thêm được cô Vân nữa thì phải nói là rất may mắn, nhiều tài lộc.

Bổ sung: Nếu bạn muốn tìm hiểu xem đi lễ cô Sáu thế nào, cách thức ra sao, cần chuẩn bị gì, mua đồ lễ ở đâu rẻ… mời bạn xem 1 trong 2 bài review này, rất chi tiết và dễ hiểu: Check in Côn Đảo, đi lễ cô Võ Thị Sáu, thiêng liêng + đẹp khó tả hoặc Review Côn Đảo – chuyến đi vì có 1 người “báo mộng”!

Còn trong bài này chủ yếu là hướng dẫn bạn cách đi Hòn Cau lễ cô Vân, ngoài đó có gì, cảnh đẹp ra sao, cần chuẩn bị như thế nào?

Vậy từ Côn Đảo đi Hòn Cau, đi lễ cô Vân thế nào? Đi bằng cách nào? Có tàu hoặc cano không? Chi phí thuê 1 cano từ Côn Đảo ra Hòn Cau hết bao nhiêu tiền?

Vâng, bạn sẽ có tất cả thông tin, kinh nghiệm sau khi đọc toàn bộ bài review cách đi Hòn Cau lễ cô Vân bên dưới:

Review tour đi lễ cô Vân ở Hòn Cau và tham quan hòn “7 cạnh”

Sự tích về “cô Vân” thì đã có rất nhiều người kể và mốc thời gian cũng không rõ ràng, chính xác. Chỉ biết rằng cô mất trên biển. Có người kể rằng, khi phát hiện ra xác cô thì trên giấy tờ đã bị nước làm nhoè nhoẹt, chỉ còn sót lại chữ Vân, nên mới gọi là cô Vân.

Cũng có người kể, khi phát hiện xác của cô trên đảo Hòn Cau thì lúc đó cô chỉ còn là bộ xương trắng, các ngư dân chôn rồi lập mộ tại Hòn Cau.

Trên đảo Hòn Cau có miếu cô Vân
Trên đảo Hòn Cau có miếu cô Vân

Sau đó, khi đi đánh cá, cứ ngang qua đây, ngư dân thấy một người con gái mặc đồ trắng đang lướt nhẹ trên những sườn đá dốc, xung quanh phủ sương mờ nên bà con mới gọi là cô Vân. Vân ở đây nghĩa là mây.

Và bà con đánh bắt cá trên vùng biển này thường ghé lại miếu cô Vân để cầu cô ban cho lộc, sớm thoát khỏi sự nghèo khó. Họ đi qua cúng cô và được cô ban cho lộc. Dần dần, mọi người muốn lui tới đây để cầu cô hộ trì trong chuyện làm ăn.

Từ Côn Đảo ra Hòn Cau bao xa, bao lâu?

Nơi cô Vân nằm là đảo Hòn Cau – một trong 16 đảo vệ tinh thuộc Côn Đảo, cách đảo chính khoảng 20-25 phút đi cano, tuỳ thuộc vào con nước hàng ngày.

Note: Nếu bạn không có duyên để gặp cô thì chưa chắc đã ra được, ví dụ gặp mưa gió, sóng biển động hoặc cano bị hỏng máy chẳng hạn…

Hình ảnh chụp tại đảo Hòn Cau: Từ tháng 3 đến tháng 9, không có bão, không có sóng lớn, gió chướng
Hình ảnh chụp tại đảo Hòn Cau: Từ tháng 3 đến tháng 9, không có bão, không có sóng lớn, gió chướng là thuận lợi nhất để đi ra đây

Thời điểm thuận lợi nhất để đi ra được đảo Hòn Cau lễ cô Vân là từ giữa tháng 3 đến tháng 9 Dương Lịch. Sau đó sẽ bước vào mùa gió chướng, biển động sóng lớn nên khó đi và nguy hiểm.

Giá thuê cano đi đảo Hòn Cau

Tiền cho thuê cano hiện tại là 2.8 – 3.5 triệu đồng/chuyến (tùy theo lượng người), nhưng mức giá thấp nhất là 2,8 triệu đồng/cano. Ngoài lễ cô Vân, nếu bạn muốn đi thêm các điểm khác thì có thể sẽ thêm tiền. Do đó, bạn cần hỏi kỹ và thỏa thuận với chủ cano, công ty tổ chức tour xem cụ thể như thế nào?

Note: Nếu muốn tiết kiệm, bạn nên đi chung cano, đi theo tour hoặc ghép tàu (cano). Tiền share đều ra.

Ngoài lễ cô Vân, nếu có thời gian, mọi người nên kết hợp đi câu cá, tắm biển, lặn biển ngắm san hô, rồi nướng cá vì biển Hòn Cau cực kì đẹp. Thông thường, các tàu chở khách ra Hòn Cau, ngoài đi lễ là đưa luôn cả đi chơi, chứ không chỉ mỗi lễ bái không!

Nếu không tranh thủ đi tắm biển, ngắm san hô thì lãng phí lắm. Mình đã đi ngắm biển ở nhiều quốc gia nhưng cảm nhận rằng biển ở Côn Đảo đẹp không kém, thậm chí còn đẹp hơn nhiều. Nhất là ở Hòn Cau – thực sự là tiên cảnh, nhìn ảnh không thể nào cảm nhận được vẻ đẹp của nó.

Mình khởi hành từ 8 giờ sáng, nhưng đến 17 giờ chiều mới về tới Côn Đảo. Đầu tiên là đi lễ miếu cô Vân, rồi di chuyển qua hòn “7 cạnh” để câu cá. San hô ở đây cực đẹp, mọi người có thể lặn ngắm đến tầm chiều thì bảo anh lái tàu tạt vào Hang Dơi để nướng cá, tắm biển.

Hang Dơi ở Côn Đảo
Tạt vào Hang Dơi tắm biển + nướng cá

Note: Vui lòng đừng xả rác ra biển, hãy mang về để thu gom

Còn dưới đây là review đi lễ mộ cô Vân (Hòn Cau – Côn Đảo) của Lương Bích Vân vừa mới check-in trở về:

Đi lễ cô Vân cần chuẩn bị những gì, cầu gì?

Đã đi Côn Đảo rất nhiều lần rồi, nhưng lần đầu tiên mình trải nghiệm đi Hòn Cau lễ mộ cô Vân. Sáng, mình xuất phát tại cảng Bến Đầm nằm ở phía nam của đảo. Đây là nơi có rất nhiều cano đậu sẵn để chở khách đi tham quan các địa điểm vệ tinh của Côn Đảo.

Đi cano cao tốc ra đảo Hòn Cau rất thích, không bị say sóng, nên cả nhà yên tâm không lo say sóng. Thậm chí nếu có sóng to còn rất thích nữa cơ.

Tiền thuê cano theo kiểu tự túc (không mua qua tour) để đi ra đảo thời điểm mình đi có giá từ 3 – 3,5 triệu đồng, chở được 7 – 10 người và mỗi người phải + thêm 60.000 đồng tiền vé vào đảo nữa (lệ phí tham quan). Nếu không thuê cano riêng thì có thể đi cano ghép của các công ty du lịch (có rất nhiều).

Hồ ấp trứng rùa ở Côn Đảo
Hồ ấp trứng rùa ở Côn Đảo

Thường cano của các tour du lịch sẽ đưa khách đi cả Hòn Cau + hòn “7 cạnh” (tùy theo thỏa thuận). Họ đón mình lúc 6 giờ 30 để đi hòn “7 cạnh” trước, sau đó mới đi Hòn Cau. Vào tháng 7 hoặc 8, ra hòn 7 cạnh sẽ được xem rùa đẻ trứng, nhưng mọi người mà muốn xem thì nên nghỉ qua đêm, cắm trại tại hòn để ngắm rùa lên đẻ vào ban đêm.

Ngắm rùa đẻ – đây là trải nghiệm cực kỳ thú vị, nếu ai yêu thiên nhiên thì không nên bỏ qua nhé.

Hình ảnh chụp tại đảo Hòn Cau: Thuê riêng 1 chuyến cano đi thẳng ra đảo Hòn Cau để lễ cô Vân
Hình ảnh chụp tại đảo Hòn Cau: Thuê riêng 1 chuyến cano đi thẳng ra đảo Hòn Cau để lễ cô Vân. Photo: Lương Bích Vân

Mình đã đi hòn Bảy Cạnh nhiều rồi nên hôm nay không đi nữa, mà đi thẳng ra Hòn Cau.

Cano ra Hòn Cau, lễ cô Vân trước, rồi lặn ngắm san hô sau

Rời khỏi cảng Bến Đầm, cano đưa tụi mình hướng thẳng ra đảo Hòn Cau. Đầu tiên, cano sẽ đáp vào một mé đảo, nơi có mộ và miếu thờ cô Vân. Sau khi lễ bái ở mộ xong thì lên cano, di chuyển ra mặt sau của đảo để nghỉ ngơi, vui chơi, tắm biển, câu cá…

Hình ảnh ngôi miếu thờ cô Vân trên đảo Hòn Cau
Hình ảnh ngôi miếu thờ cô Vân trên đảo Hòn Cau

Lễ cô Vân cần những đồ gì? Theo kinh nghiệm của mình thì nên có quần áo, gương lược, hoa quả, xôi gà… Nhà mình sắm lễ xôi gà để cúng cô rồi xin thụ lộc sau khi di chuyển sang mé sau của Hòn Cau ngắm cảnh.

Trước khi thắp hương cho cô Vân, cả nhà nhớ lên thắp hương cho mẹ Quan Âm trên vách núi. Sau đó xin phép được xuống thắp hương ở mộ cô Vân.

Hòn Cau có gì?

Ở Hòn Cau có một bãi tắm đẹp tuyệt trần, cả nhà nhớ tranh thủ tắm táp, chụp ảnh ở đây luôn.

Trên Hòn Cau, chỉ có duy nhất một khu lán trại để nấu ăn, nên cả nhà nên đi chợ ở trên đảo để mang theo ra hoặc nhờ anh lái cano đi mua giúp.

Khu lán trại để nấu ăn
Khu lán trại để nấu ăn giữa rừng cây phong ba già siêu đẹp – hoang sơ

Trên đảo cũng có sẵn một số đồ ăn để bán cho khách như: gà, mực, cá… nhưng hình như để tủ đông. Riêng mực thì mình thấy là mực tươi nên gọi 1kg hấp. Nhà hàng hấp với nước dừa rất ngọt và tươi, tiếc là nhiều đồ ăn quá nên tụi mình không ăn hết, nhưng về cứ tiếc hùi hụi vì ngon quá. Giá hơi mắc: 700.000 đồng/kg – gồm chế biến.

Hình ảnh đảo Hòn Cau với rất nhiều bãi sống ảo + chụp ảnh đăng lên fb
Hình ảnh đảo Hòn Cau với rất nhiều bãi sống ảo + chụp ảnh đăng lên fb. Photo: Lương Bích Vân

Trên đảo Hòn Cau có rất nhiều khu cảnh đẹp để “sống ảo”. Từ xích đu, rất nhiều cây phong ba bão táp siêu đẹp, nước trong nhưng bãi nhiều xác san hô nên khi tắm đi hơi đau chân một tí. Nếu ai thích lặn ngắm san hô thì ngay gần đảo Hòn Cau có 1 bãi lặn tuyệt đẹp luôn. Cano thường quên mang theo đồ lặn cho khách nên cả nhà nhớ nhắc khi đặt cano chuẩn bị trước.

Hình ảnh vạt núi sau đảo Hòn Cau (2)
Hình ảnh vạt núi sau đảo Hòn Cau – nước trong vắt soi tận đáy, tha hồ sống ảo sau khi lễ cô Vân xong

Nếu đây là lần đầu tiên bạn đi Côn Đảo mà chưa biết đi thế nào, kinh nghiệm đi lại ra sao cho nhanh – khỏe – rẻ thì vui lòng xem bài review mới của bạn Đặng Ngọc Bảo: https://du-lich.net/di-con-dao-nhu-the-nao/ 

Từ khóa: kinh nghiệm, hướng dẫn cách đi đảo Hòn Cau cúng lễ cô Vân, nên thuê cano ở đâu, giá bao nhiêu tiền, thời điểm nào đẹp, đi thế nào an toàn, có tắm được không, cần mua những đồ lễ gì

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *