Hướng dẫn kinh nghiệm đi lại ở Bangkok: cứ theo cái “bản đồ” BTS, MRT này

Posted by

Đối với những người lần đầu tiên đi du lịch Thái thì e ngại nhất có lẽ là việc đi lại, ví dụ như tâm lý của nhiều người thường băn khoăn với câu hỏi: nên thuê khách sạn ở chỗ nào, sau đó thì đi từ khách sạn tới các địa điểm tham quan, ví dụ như chùa chiền, các nhà hàng, công viên, nhất là các trung tâm thương mại… như thế nào?

Cảnh đẹp Thái Lan
Cảnh đẹp Thái Lan

Ừ thì biết rằng, ở Thái có rất nhiều cách với phương tiện để di chuyển, ví dụ như đi xe bus, rồi taxi, còn có cả grap như ở Việt Nam mình nữa, đặc biệt nhất là 2 hệ thống xe điện trên cao (BTS) và tàu điện ngầm (MRT) rất hiện đại, nhiều người đi. Thế nhưng vẫn cứ e ngại, lo lắng nếu lần đầu tiên đi ăn chơi, xuất ngoại tại Thái.

Hướng dẫn kinh nghiệm đi lại ở Bangkok – bạn chỉ cần đi theo cái “bản đồ” BTS, MRT này là có thể tới những nơi cần tới!

Có lẽ, hầu như nhiều người lần đầu đi Thái thì chỉ loanh quanh ở thủ đô Bangkok. Vì vậy, trong bài viết này, xin gửi tới bạn toàn bộ review hướng dẫn kinh nghiệm đi lại, cách di chuyển, cách chọn phương tiện giao thông ở thủ đô Bangkok – Thailand của bạn gái Nguyễn Thùy Trang (rất dễ hiểu và chi tiết)

Mở ngoặc nói thêm, trên mạng hiện có rất nhiều review hướng dẫn cách đi lại ở Bangkok nhưng sẽ trở nên khó hiểu đối với những người chưa từng đi Thái bởi mọi người chẳng hình dung ra cách đi thế nào nếu chỉ nhắc tên các điểm với các trạm BTS, MRT chung chung.

Còn review này sẽ gắn luôn các địa chỉ cần tham quan, mua sắm, ăn chơi với các trạm BTS, MRT luôn. Vì thế, bạn chỉ cần nhớ tên mỗi trạm gắn với các địa chỉ tham quan, điểm đến nào cần là đánh dấu và tìm cho bằng được để khám phá. Bằng cách này, việc đi lại, lên lịch trình của bạn sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều…

Lời khuyên cho bạn là khi đặt chân tới Bangkok thì nên sử dụng 3 phương tiện là BTS, MRT và xe tuk tuk (hoặc taxi) để đi lại. Trong đó, BTS và MRT là rẻ nhất lại không bị lo tắc đường vì bên Bangkok kẹt xe, tắc đường còn dã man hơn VN, hehe…

***

Lần nào đi Thái thì cũng có những câu chuyện để đời đi kèm. Lần đầu thì thức trắng 1 tuần ngày nào cũng đến 8h sáng tra cứu tỉ mẩn nọ kia, lên plan chi tiết, canh voucher 0 đồng… rồi cãi nhau với bạn thân, khóc tưởng chừng như đang đóng phim “Mùa mưa ở Bangkok”, về Việt Nam thì lại hỏng tủ lạnh, hỏng điều hòa… đúng tháng hè nắng đổ lửa mướt mải mồ hôi.

Lần này thì rút kinh nghiệm chẳng tra cứu gì hết, đi theo trí nhớ mà trí nhớ thì như lol nên đi BTS, MRT bị hố mất 200bath, về VN thì hiện bị cháy nắng bỏng rát ngứa ngáy cả mặt do đi quá nhiều.

Dẫu vậy, dù có thế nào đi chăng nữa, Thái Lan vẫn là “nhà”, năm nào cũng sẽ đặt chân đến ít nhất 1 lần. Đất nước không quá xinh đẹp. Đường thì tắc cứng vài tiếng mới lết được. Nắng mưa thất thường mà cứ gọi là đẫm lệ vs nắng cháy khét lẹt mới chịu. Phương tiện giao thông thì phóng bạt mạng, chém tiền căng hơn cả các anh bàn phím VN. Đồ ăn thì cay lòi, hải sản sống bóp với đu đủ ăn luôn tại trận. Lúc nào cũng đông khách du lịch. Thỉnh thoảng lại bạo động đánh bom…

Vậy Thái Lan, Bangkok có gì mà người ta cứ đi hoài chẳng chán? Bạn cứ đi đi thì sẽ biết! Đầu tiên là hướng dẫn cách đi lại ở thủ đô Bangkok.

Cách di chuyển từ sân bay Don Muang về trung tâm Bangkok

Hình ảnh tại sân bay Don Muang
Hình ảnh tại sân bay Don Muang

Nếu bạn muốn đi bằng taxi: Từ sân bay này, đi ra cổng exit số 8, xếp hàng theo mọi người, ghi thông tin điểm đến với nhân viên, cầm phiếu, lên taxi. Lưu ý: thêm phí 50baht tiền tip + phí đi đường cao tốc (nếu có tiền nhiều thì cứ đi taxi cho dễ, khỏi phải hỏi đường, mỗi tội tắc đường).

Nếu đi bằng xe bus, kết hợp tàu điện BTS thì có rất nhiều lựa chọn:

Cách 1: Sân bay quốc tế T1, đi ra phía bên ngoài Exit 6 (tầng 1) là chỗ chờ bus A1 (vé 30 bath, chạy từ 7h30 đến 24h). Sau đó đi đến trạm BTS Mochit, đi bộ độ 70m là đến trạm tàu điện trên cao BTS, xếp hàng đổi tiền cắc, mua vé, đến điểm muốn đến.

Cách 2: Đón xe bus A2 (vé 30 bath, từ 8h đến 21h): xe này bạn có thể đi được tới BTS Mochit, nếu không thì bạn có thể đi thẳng đến trạm cuối là Victory Monument.

Kinh nghiệm đi BTS ở Bangkok
Kinh nghiệm đi BTS ở Bangkok

Cách 3: Nếu bạn bắt bus A3 (vé 50 bath): có đi ngang chợ sỉ Pratunam và BigC, trạm cuối ở công viên Lampini (cách khu Silom 1km). Trong đó, cái chợ Pratunam và Big C là 2 địa chỉ mà chắc chắn bạn sẽ phải tới khi ở Bangkok

Cách 4: Lên bus A4 (vé 50 bath): đến khu phố Tây Khaosan (trung tâm Bangkok). Đây là nơi có nhiều khách du lịch Việt cũng như các nước đặt thuê khách sạn. Nếu bạn muốn ở khu trung tâm thì ở đây. Từ sân bay có thể phi thẳng về đây để nghỉ nếu mệt, chưa thể đi chơi được đâu. Bạn có thể tham khảo bài review này: https://du-lich.net/review-du-lich-bangkok-anhngoc/

Note: Lúc về thì đi kiểu nào cũng được. Còn lúc trở lại sân bay Donmueng, bạn nên đi BTS + bus A1 (chạy trên cao tốc) để đảm bảo thời gian bay, không bị kẹt xe. Mình di chuyển như vậy mất khoảng 1 tiếng 20 phút cho cả hành trình.

Tại Bangkok, có rất nhiều cách di chuyển, phương tiện đi lại mà bạn có thể lựa chọn

Có rất nhiều cách, nhưng theo mình, bạn nên lựa chọn cách 1 + 2 là rẻ nhất, dễ đi nhất vì bạn có lịch trình 3-4-5 ngày ở Bangkok, sẽ cần phải đi nhiều nơi, nếu thuê taxi, grap thì “nướng tiền”

1. Xe điện trên cao BTS:

Nhanh, hịn, không tắc đường, rẻ. Vé mua theo chuyến từ 15-44 bath. Còn vé mua theo ngày: 130 bath chạy từ 6h sáng đến 24h đêm.

Hướng dẫn: Nếu đi BTS, bạn đổi tiền xu ở quầy phục vụ ngay trước cửa soát vé ở mỗi trạm và mua vé qua máy tự động gần đó. Bạn có thể đi vào bất kì thời điểm nào với chi phí đi lại từ 15-40 bath (khoảng 10K – 26K). Khi đi qua cổng soát vé, chỉ cần đưa thẻ vào khe. Máy sẽ tự động nuốt vé, mở cổng và trả lại vé cho bạn ở một khe khác. Nhanh chóng lấy vé và đi qua trước khi cổng khép lại.

Làm cách nào để đi BTS tại Bangkok - Thái Lan
Làm cách nào để đi BTS tại Bangkok – Thái Lan

Có hai tuyến tàu điện trên cao BTS được vận hành trong thủ đô Bangkok, cắt nhau tại quảng trường Siam là: Sukhumvit LineSilom Line.

Trong đó:

Tuyến Sukhumvit: đi qua trạm Mochit (gần sân bay Don Muang, chợ Chatuchak), Victory Monument (khu Khaosan Road), Phaya Thai (kết nối với Airport Rail Link), Siam (trung tâm Bangkok), Ekkamai (bến xe đi Pattaya)…

Tàu điện tới ga BTS Silom
Tàu điện BTS của tuyến Silom (Bangkok) – bên dưới, ô tô ken dày vì tắc đường triền miên

Tuyến Silom đi qua các trạm National Staidum (sân vận động Quốc gia), Siam (kết nối với BTS Skytrain Sukhumvit line), Silom (kết nối với MRT- tàu điện ngầm), Saphan Taksin (bờ sông Chao Phraya)…

Nếu bạn đi nhầm hướng, không vấn đề gì cả. Sử dụng cầu thang riêng để băng qua hướng đối diện và đi ngược lại. Chỉ cần bạn không ra khỏi trạm tàu, bạn đi bao nhiêu lần cũng được.

2. Tàu điện ngầm MRT:

MRT là tàu điện ngầm ở Bangkok, giá vé từ 16 – 40 bath. Vé một ngày (one day pass) giá 120 baht, vé 3 ngày (3-day pass) giá 230 baht, vé 30 ngày (30-day pass) giá 1400 baht. Bạn nên cân nhắc xem nên chọn mua loại nào cho tiết kiệm, phù hợp lịch trình, các địa điểm đi

Làm cách nào để đi tàu điện ngầm MRT tại Thái Lan
Làm cách nào để đi tàu điện ngầm MRT tại Thái Lan?

MRT chạy 1 tuyến duy nhất nối giữa Bang Sue ở phía Bắc (gần công viên Chatuchak), khu Sukhumvit, khu Silom và trạm Hua Lamphong gần khu phố Tàu (Chinatown) từ 6h sáng đến 24h đêm.

Bạn có thể đi kết hợp cả MRT và BTS cũng được. Ngoài ra, còn có các loại phương tiện và cách di chuyển khác:

Taxi ở khu phố Khao San
Taxi ở khu phố Khao San

3. Taxi – Grab: an toàn, chỉ rẻ khi đi đông 2-3 người, đôi lúc phải mặc cả, tắc đường, nên đi grab. Do ở Thái Lan rất tắc đường nên tốt nhất bạn không nên đi bằng phương tiện này

4. Tuk tuk: như xe chở đồ ở VN, nhanh như một vị thần, vui nhộn, giá cao chót vót cần mặc cả.

5. Xe bus: rẻ, cũ kĩ, cần tìm hiểu kĩ trước khi di chuyển để đến đúng điểm. Tốt nhất không nên đi

6. Xe ôm: đi như kiểu “đường này là của bố mày”, cảm giác rất phê, hơi sợ, giá rẻ, cần mặc cả, thỏa thuận.

7. Tàu, thuyền: bạn đi tới BTS Saphan Taksin, xuống ngay dưới cầu đi bộ chút là sông Chao Phraya, từ đây có thể đi thuyền free đến trung tâm mua sắm Asiatique (khu rộng lớn). Tuy nhiên nếu đi tới các điểm tham quan khác trên khu vực sông Chao thì có mất phí, như: chùa Wat Arun, Wat Pho, Grand Palace (Hoàng cung), Chinatown… Đây là những địa điểm bạn cần phải đến vì nó nổi tiếng, có thể xem thêm review bên dưới

Làm cách nào đi BTS, MRT đến các địa điểm nổi tiếng, siêu thị, trung tâm thương mại… cần tham quan, checkin, chụp ảnh, selfie tại Bangkok?

Để giúp bạn tiện di chuyển, đi lại giữa các địa điểm, mình review hướng dẫn cách đi theo đường BTS, MRT để bạn dễ theo dõi.

1. Nếu đi tới hoặc dừng tại trạm BTS Mochit thì bạn sẽ tới các địa điểm gồm: chợ cuối tuần Chatuchak (Jatujak) chỉ họp vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần từ 9h đến 16h.

Trên tàu điện tới ga Mochit - Bangkok
Trên tàu điện tới ga Mochit – Bangkok

Chợ này bán đủ các thể loại đồ trên đời: quần áo, đồ ăn, trang sức, thủ công mỹ nghệ, tinh dầu, đồ da dụng, đồ chó mèo… Đồ rất rẻ, càng lựa càng rẻ nên có thể mất cả ngày hoặc nửa buổi để đi hết chợ dài 7km này. Hầu như người Việt, ai qua Bangkok cũng tới chợ này

Ga (trạm) Mochit là một trạm BTS tàu điện trên cao ở Bangkok, thuộc tuyến Sukhumvit, ở quận Chatuchak. Ga này nằm rất gần chợ Chatuchak nổi tiếng. Gần đó cũng có cả trạm xe bus Mochit nữa.

Cần mang theo mũ, kem chống nắng, nước, quạt, bảo quản đồ đạc và xin bản đồ ngay tại đồn cảnh sát đầu chợ để không bị lạc.

BTS Victory Monument.jpg
BTS Victory Monument.jpg

2. Nếu bạn đi tới hoặc dừng tại ga BTS Victory Monument thì sẽ tham quan khu Khao San Road (vì trạm này là trạm cuối). Đây là khu phố Tây nhộn nhịp với đủ các pub, quán ăn, mở đến tầm 3h sáng. Phố này phục vụ hầu hết những món ăn đặc trưng của xứ chùa vàng: gà rán, pad Thai, bò cạp chiên và các món côn trùng cho đến kem dừa, kem xôi xoài…

Khu phố Tây Khaosan - Bangkok về đêm
Khu phố Tây Khaosan – Bangkok về đêm

Khaosan (Khao San) có nét giống như Tống Duy Tân nhưng lại như Tạ Hiện ở Hà Nội. Tức là một khu ăn uống nhưng lại nằm ở khu phố Tây nên Tây balo lẫn Ta balo thuê khách sạn ở rất nhiều. Vì thế, nếu bạn đặt phòng khách sạn ở đây thì cũng giống như bạn chọn khu phố cổ của Hà Nội vậy. Vào đây xem giá phòng khách sạn và danh sách những khách sạn đẹp nên ở

3. Nếu bạn đi tới trạm (ga) BTS Siam thì đây chính là tổ hợp các trung tâm thương mại lớn nhất ở Bangkok hiện nay mà hầu như khách du lịch Việt Nam cũng muốn tới, gồm: Siam Center, Siam Paragon và Siam Discovery.

Mình từng đến đúng đợt Big Brand Sale của Thái vào cuối tháng 7 (xem chi tiết bài: Đi Thái Lan mùa nào đẹp sẽ hiểu rõ) nên toàn sale 50-70% đồ hiệu nhưng chẳng có nhu cầu vì toàn mặc đồ như dân tị nạn.

Ngoài mua sắm, khu Siam (đọc là Si Ẻm) còn có: nhà hát Siam Opera, Siam Ocean World (thế giới đại dương của Đông Nam Á).

4. Nếu bạn dừng ở BTS Chitlom thì sẽ vào tổ hợp các trung tâm mua sắm nổi tiếng như Gaysorn Villagae, Central World, Big C (xem ảnh bên dưới) mà trên website này đã review rất nhiều, cứ đọc kỹ là sẽ hiểu.

Trung tâm thương mại Gayson Bangkok
Trung tâm thương mại Gaysorn Bangkok

Đây cũng là nơi để bạn tham quan, chụp ảnh tại pho tượng Phật 4 mặt của Bangkok. Note thêm, khu này nên là điểm đến cuối cùng để bạn “hốt” đồ tại Big C làm quà cho bạn bè, gia đình vì siêu rẻ, nhiều đồ ăn hay ho. Sau đó có thể xuống đường thăm tượng Phật 4 mặt linh thiêng để cầu bình an.

Note: Big C nên là điểm đến cuối cùng để săn đồ đẹp giá rẻ tặng bạn bè làm quà du lịch Thái

5. Nếu bạn đi tới BTS Sala Deang thì đây chính là “phố đèn đỏ” Patpong (mà trên mạng cánh đàn ông thường kháo nhau), chợ đêm Silom.

Tàu điện ở ga BTS Ben Saphan Taksin bên bờ sông Chao
Tàu điện ở ga BTS Saphan Taksin bên bờ sông Chao

6. Nếu dừng ở BTS Saphan Taksin thì đi bộ xuống bến sông Chao Phraya, bắt tàu free đi khu hội chợ triển lãm mới Asiatique (xem ảnh bên dưới). Đây cũng là nơi để bạn đi tới các địa điểm: Hoàng cung Thái Lan, chùa Wat Arun (đẹp thôi rồi, xem ảnh dưới), chùa Watpho (có pho tượng nằm)…

Hình ảnh AsiaTique Thái Lan
Hình ảnh AsiaTique Thái Lan

Đây là review về ngôi chùa Watpho, nơi có pho tượng Phật nằm: https://du-lich.net/review-di-thai-lan-lan-2/

Hình ảnh chùa Wat Arun
Hình ảnh chùa Wat Arun lung linh về đêm

7. Nếu dừng tại BTS Thonglor: đi vào trung tâm thương mại The Commos (phải đi bộ tầm 1.5km nữa hoặc gọi xe ôm giá 25bath). Đây là khu tổ hợp ăn chơi mua sắm oách nhất hiện nay được nhiều bạn trẻ check-in, mở từ 8h sáng đến 1h sáng hôm sau. Đẹp, sang chảnh, không gian lạ, design thu hút, đồ có vẻ đắt.

8. Nếu bạn đi MRT Thailand Cultural Centre thì bạn sẽ đi tham quan các địa điểm sau: Bảo tàng Art In Paradise: đẹp như bảo tàng tranh 3D tại Đà Nẵng và chợ đêm Rotfai Ratchada (Second Train Market): nằm sau trung tâm mua sắm Esplanade, mở cửa từ 17h – 1h sáng, từ thứ 5 đến chủ nhật. Chợ đêm này siêu đẹp, cũng có khá nhiều đồ rẻ, đồ ăn ngon đa dạng, bar pub thì cực vui, 2 bên oánh nhau ầm ầm lúc nhạc Thái, lúc nhạc Âu – Mỹ…

9. Nếu dừng tại MRT Hua Lamphong: Đây là trạm tàu điện ngầm để lên khu phố Tàu – Chinatown, khu phố ẩm thực Yaowarat, đi bộ sang chùa Phật Vàng Wat Traimit (40 bath, mở từ 8h đến 17h).

10. Dừng tại trạm BTS Asok hoặc MRT Sukhumvit, bạn sẽ tới các địa chỉ nổi tiếng mà trên mạng nhiều bạn trẻ thường check in và review:

Trung tâm thương mại Terminal 21 – nơi mà theo nhiều người là đến cái WC cũng đẹp, có thể selfie sống ảo (free, mở từ 10h -22h): biến giấc mơ chu du thế giới thành hiện thực khi mỗi tầng là 1 đất nước: Nhật, Mỹ, San Francisco… Đồ ăn ở foodcourt tầng 5 thì siêu ngon, rẻ, là mỹ vị nhân gian có hẳn điều hòa, cảnh đẹp rooftop. Mời xem thêm review này: https://du-lich.net/review-di-bangkok-duongtouyen/

Khu ăn chơi thác loạn cho du khách ở khu Soi Cowboy.jpg
Khu ăn chơi thác loạn cho du khách ở Soi Cowboy. Photo: @ Pavez Shaikh

Khu ăn chơi, đèn đỏ, hộp đêm Soi Cowboy: thêm 1 khu phố đèn đỏ nữa. Ở trên thì có nói tới Patpong nhưng cái Soi Cowboy này cũng nổi danh không kém. Ở Bangkok có 3 địa chỉ ăn chơi thác loạn là Soi Cowboy, Patpong và Nana Plaza. Huhu, mình 2 lần đi Bangkok, lần nào cũng ở phố đèn đỏ Patpong, Cowboy mà không dám vào.

11. Xuống tại BTS Udom Suk: Mega Bangna (khu bán đồ nội thất nổi tiếng IKEA, BigC Extra): mở cửa từ 10h – 23h, đến BTS Udom Suk, đi bộ xuống trạm bus (ngay sau trạm có cái 7Eleven), chờ xe bus free đến đón.

Bạn muốn đi đâu thì đi, cứ có cái bản đồ này là thoải mái xõa:

Có lẽ, khó nhất đối với những người lần đầu đi du lịch Thái là đi lại như thế nào, làm sao di chuyển từ khách sạn tới các địa điểm du lịch, ví dụ chùa chiền, nhất là các trung tâm thương mại… Còn những thứ khác thì cũng không khó khăn lắm. Mình bổ sung thêm cho bạn một số kinh nghiệm cần thiết sau đây:

Tổng chi phí – hết bao nhiêu tiền?

Vấn đề rất đáng quan tâm này luôn là câu hỏi hàng đầu của nhiều bạn nên mình để đầu tiên. Chuyến năm ngoái mình đi 6 ngày 5 đêm hết 5 triệu đồng/người vì săn được rất nhiều voucher từ KLook: 3 sim free, 3 vé vòng quay mặt trời Asiatique free, 3 voucher free Art in Paradise, phòng hostel deal 40-60%…

Chuyến năm nay đi 4 ngày 3 đêm, mình cũng tiêu hết gần 5 triệu đồng phí cơ bản: máy bay, khách sạn, ăn uống, đi lại, vé vào cửa tham quan…

Nhận xét: Tổng chi phí của 2 chuyến đi bằng nhau dù khác thời gian là do chuyến năm nay ăn quá nhiều, đi được vài trăm mét lại ăn, lại ăn, lại ăn. Và do chúng mình di chuyển thêm tới thành phố khác là Huahin nên tốn kém hơn.

Chi phí này là chi phí cơ bản mình làm thủ quỹ cho cả team. Còn tiền mua sắm riêng thì tùy nhu cầu mỗi người.

Chi phí mua vé máy bay: Bạn có thể đặt được vé có giá từ 1,6 triệu đồng – 2,1 triệu đồng tùy thời điểm, tùy hãng bay. Nên săn vé trước 3-6 tháng để có giá ưu đãi. Thái Lan có 2 sân bay. Sân bay cũ tên là Donmueng (Don Muang) tập trung các hãng máy bay giá rẻ: Vietjet, Thailion, Air Asia, Nok Air.

Chi phí khách sạn: Bạn nên canh các voucher khuyến mãi, ngày lễ giảm giá… từ các app như: booking.com, agoda.com, tripadvisor, traveloka… sẽ giúp bạn có được giá phòng hợp lí và nhiều lựa chọn. Phòng ở Thái khá rẻ, chỉ từ 80.000 đồng – 150.000 đồng/dorm. Các loại phòng đôi, rulex… sẽ đắt hơn và tùy nhu cầu mỗi người.

Kinh nghiệm đổi tiền: Tỉ giá tiền bath Thái lên xuống từng ngày. Năm nay mình đổi là 726 (1 bath = 726 đồng), rẻ hơn rất nhiều so với mọi người đổi cùng thời điểm. Các bạn nên đổi tại phố Hà Trung, đi 1 vòng check giá rồi đổi tiền.

Thông tin đi Thái cần phải cầm theo 20.000 bath hoặc 700 USD là quy định chung bất khả kháng. Nếu bản thân bạn đi ít ngày hoặc không có đủ ngần ấy, bạn có thể checkin online (nếu ko có kí gửi) và ra thẳng quầy hải quan để nhập cảnh tại Việt Nam (nơi bị hỏi nhiều nhất về vụ này là quầy checkin). Khi qua đến Thái nếu mà bị hỏi thì đúng là hên xui và số bạn đen rồi. Nếu có điều kiện, mang đủ theo quy định vẫn hơn.

Kinh nghiệm nhập cảnh: Lên máy bay nhớ xin chị tiếp viên tờ khai nhập cảnh, mang theo bút bi, tải sẵn mẫu form mới nhất để điền theo. Lúc nhập cảnh xong nhớ check giữ lại cuống tờ khai chiều về để làm thủ tục xuất cảnh.

Kinh nghiệm mua sim điện thoại: Bạn nên mua sẵn tại Việt Nam cho rẻ. Mua tại Klook, Divui giá từ 107.000 đồng, rẻ hơn ở Thái. Sau khi mua, giữ code và làm theo hướng dẫn trong mail. Tuy nhiên nên mua tại Thái cho sành điệu, xuống tới sân bay, làm xong thủ tục nhập cảnh, ra các quầy bên ngoài là có đủ loại cho bạn lựa chọn

Quầy Klook nằm ở tầng 1, có biển Klook chờ sẵn khách ở đó. Bạn chỉ cần đưa code, họ sẽ check QR và thay sim cho bạn.

Từ khóa: hướng dẫn kinh nghiệm đi lại ở Bangkok – Thái Lan, bản đồ các BTS, MRT ở Bangkok, làm thế nào để di chuyển từ các khách sạn, trung tâm tới các địa điểm tham quan, mua sắm, trung tâm thương mại

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *