Review hướng dẫn cách đi làng cổ Cửu Phần (Jiu Fen)

Posted by

Làng cổ Cửu Phần (Jiu Fen) là 1 trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan mà nhiều khách từ Việt Nam qua đều tới để check in sống ảo. Mời mọi người xem qua review hướng dẫn cách đi làng cổ Jiu Fen:

Check in làng cổ Cửu Phần (Đài Loan)
Khách du lịch check in làng cổ Cửu Phần (Đài Loan) đông đúc như trẩy hội

Tên tiếng Anh của làng cổ Cửu Phần là Jiu Fen. Còn nếu bạn đi đường mà muốn hỏi thăm người dân rằng làng Cửu Phần ở đâu, đi thế nào thì cứ nói: Jiufen Laojie (hoặc chìa chữ này ra cho họ đọc 九分老街). Thế là OK!!!

Nói sơ sơ chút: Địa chỉ của Jiufen Laojie nằm ở trên núi Keelung ở phía Bắc của Đài Loan, thuộc quận Thụy Phương của thành phố Tân Bắc – cách trung tâm Đài Bắc của Đài Loan khoảng 40km (gần 1 tiếng đồng hồ chạy xe ô tô) – xem map này

Làng cổ Cửu Phần có gì đẹp?

Đây là một ngôi làng nằm trên núi, vào làng chẳng khác gì vào 1 mê cung. Bởi vì ngôi làng cổ này có quá nhiều con hẻm nhỏ. Những con hẻm dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau.

Hình ảnh đường ngang ngõ dọc ở Cửu Phần
Hình ảnh đường ngang ngõ dọc ở Cửu Phần

Dọc hai bên các con hẻm thì đầy hàng quán – kiểu như Hội An ở nước mình. Nào là quán ăn, nhà hàng, cửa hàng bách hóa… Vì thế, có người gọi là chợ cổ hoặc phố cổ thì cũng đúng.

Trông như cái chợ cổ nhưng làng cổ Cửu Phần là một cái chợ cực đẹp và đáng để tới một lần. Tại đây, hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp, có vô thiên lủng các loại hàng hóa, thiên đường của đồ uống thức uống và quà lưu niệm.

San sát các shop đồ lưu niệm như cái chợ
San sát các shop đồ lưu niệm như cái chợ. Photo: zingnews

Không chỉ đẹp bởi những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc Đài và hoạt động mua bán nhộn nhịp như thời xa xưa mà cảnh vật xung quanh làng và không khí cũng quá tuyệt vời.

Mình đến đây cuối tháng 11, thời tiết lúc này rất lạnh, đầy sương mù. Mặc dù là ban ngày nhưng nhiệt độ lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ ở Đà Lạt (Việt Nam) vào buổi tối.

Nên làm gì?

Mục đích đến làng cổ Cửu Phần là để đi dạo bộ, tham quan, ngắm cảnh tại các con đường, hàng quán, phố cổ, chùa, bảo tàng… và check in chụp ảnh sống ảo.

Những địa điểm check in chụp ảnh tại làng Cổ Phần (Tân Bắc)
Những địa điểm lạ để check in chụp ảnh tại làng Cổ Phần (Tân Bắc)

Uống trà, cafe (nhiều quán trà và cafe được xây dựng và thiết kế theo phong cách của Nhật rất đẹp).

Ăn vặt vì có rất nhiều món lạ (bò viên, phá lấu, bánh củ cải, hủ tiếu cá viên, mì bò, mì xá xíu, bánh ngọt và chè các loại giống món ăn của quán “Thế giới Tàu Hủ” ở Việt Nam)…

Trứng gà luộc trà Ô Long
Trứng gà luộc trà Ô Long

Ở đây có món “trứng gà luộc trà Ô Long” giá 20 tệ một quả, tương đương 16K tiền Việt mình nhé (trứng được luộc với nước trà Ô Long, khi ăn có vị thơm của trà, béo béo của lòng đỏ, cũng thú vị lắm).

Mua sắm quà lưu niệm (rất nhiều món độc đáo, dễ hao tốn tiền khi tới nơi này)

Đường sá đi lại và những chỗ nên tới chụp ảnh trong ngôi làng này như sau:

Con đường chính chạy giữa làng, men theo núi, từ dưới lên trên như thẳng đứng, mang tên Thụ Kỳ Lộ. Đường rất hẹp, bề ngang chỉ khoảng 2m, gồm các bậc thang toàn đá granite.

Ở đây bày bán rất nhiều đồ bằng da (túi, ví, thắt lưng…), vải bò nhìn rất thời thượng và cuốn hút được gia công tỉ mỉ, vốn dĩ là 1 trong những nghề truyền thống của làng và giờ đây những sản phẩm này được xuất khẩu rất nhiều ra các nước.

Phố xá ở Cửu Phần
Phố xá, shop đồ lưu niệm ở Cửu Phần

Chạy cắt ngang Thụ Kỳ Lộ là Khinh Tiên Lộ và Cổ Sơn Nhai (hai đường này song song nhau).

Hai con đường này có nhiều trà quán, hiệu bánh, tiệm ăn, rạp hát, nhà bảo tàng về khai thác vàng, phòng triển lãm nghệ thuật dân gian Cửu Phần, vài ngôi chùa và miếu thờ thành hoàng.

Cửa hiệu ăn uống vặt rất nhiều
Cửa hiệu ăn uống vặt rất nhiều

Thế là mọi người hình dung ra rồi nhé. Nếu muốn xem chi tiết hơn, mời ngâm cứu trên bản đồ bên dưới:

Nếu ai khỏe, thích trekking thì leo núi Bình Trà Vô Nhĩ (giống bình trà) nhé. Mất khoảng 30 phút để leo từ chân núi tới đỉnh núi, có các bậc thang đá an toàn và các trạm nghỉ ngơi ngắm cảnh. Từ đỉnh núi có thể ngó toàn cảnh Cửu Phần, biển và những chiếc thuyền đánh cá từ xa.

Ngắm biển cả từ trên cao
Ngắm biển cả từ trên cao

Hướng dẫn cách đi làng cổ Cửu Phần

Cách 1 là đi bằng tàu và xe bus, mọi người đến: Taipei Main Station (台北車站 – đọc là thái pẩy chơ chan), sau đó ngồi tàu đến trạm Ruifang (đọc là “ruây phang”: 瑞芳) và từ Ruifang đi theo các bảng hướng dẫn bắt xe bus 788 hoặc 1062 để đi tiếp đến Jiu Fen – Cửu Phần.

Đi Cửu Phần như thế nào, bằng phương tiện gì?
Đi Cửu Phần như thế nào, bằng phương tiện gì?

Cách 2 là đi bằng tàu điện ngầm, từ trung tâm Đài Bắc, mọi người mua vé tàu điện (thẻ quẹt) đi MRT đến trạm MRT Zhongxiao Fuxing – (nhìn trên bảng biển có cái chữ như thế này: 忠孝復興).

Đây là nơi nơi giao nhau của tuyến tàu điện ngầm Brown và Blue. Tại đây, mọi người đi ra cửa Exit 2 (cửa exit 2 sẽ băng ngang và ra khỏi cửa trung tâm thương mại SoGo).

Ra cửa quẹo phải, bên hông trung tâm thương mại SoGo có trạm xe buýt sẽ đưa mọi người đi tới làng cổ Cửu Phần.

Tại đây, mọi người bắt tuyến xe bus 1062 để đến làng Cửu Phần. Bus sẽ chở lên tận núi luôn, ngay làng Cửu Phần. Thời gian đi xe khoảng hơn 1 giờ đồng hồ và giá vé là 98TWD

Note: Khi ra khỏi cửa trung tâm Sogo sẽ có rất nhiều người cầm bảng hiệu tên làng Cửu Phần chào đón. Đây là những người chạy xe dù giống ở Việt Nam mình, giá vé mà họ đòi tới 350TWD lận, nên mọi người tránh bị nhầm là người của xe bus nhé. Họ nói gì kệ họ, cứ đi ra hông trung tâm, đến ngay cái cột trạm xe bus mà chờ xe nhé

Xe bus chạy chuyến cuối về trung tâm là 10 giờ tối nên mọi người cứ an tâm mà đón xe. Khi đưa mọi người từ làng Cửu Phần, xe bus cũng sẽ chở mọi người về lại đúng ngay trạm ở trung tâm Sogo.

Tuy nhiên, như đã review trong rất nhiều bài về kinh nghiệm đi du lịch Đài Loan thì mọi người nên mua cái “thẻ đa năng” của Đài Loan, nạp tiền vô đó, đi tới đâu thì nạp, sử dụng cho đi xe buýt, tàu điện, xe đạp và cả mua đồ ở các cửa hàng tiện ích (rất tiện lợi nhé). Nếu mua luôn thẻ 1 cục là lãng phí hoặc bị đắt.

Khi lên xe buýt chỉ cần quẹt thẻ và khi xuống xe cũng quẹt thẻ thì máy tự hiểu mà trừ tiền trong thẻ của mình. Nếu không có thẻ, mọi người cứ bỏ 100TWD vào cái hộp bên cạnh máy quẹt thẻ là OK.

Không có nhân viên bán vé xe buýt như ở VN mình, nên mọi người phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ, không ai thối tiền cho mọi người đâu nhé! Mời xem review kinh nghiệm trong bài viết này sẽ hiểu: Đi Đài Loan, mùa nào có lá phong + hoa anh đào nở?

Lịch sử làng cổ

Sở dĩ nó có tên gọi “Cửu Phần” vì thuở sơ khai chỉ có 9 hộ gia đình sinh sống, ở trên núi cao mà giao thông chưa phát triển nên mỗi lần dân làng muốn mua món gì, đều đặt mua chín suất (cửu phần).

Nhưng bây giờ thì làng Cửu Phần đã có hơn 900 căn nhà là cái chắc.

Toàn cảnh làng cổ Cửu Phần chụp từ trên cao
Toàn cảnh làng cổ Cửu Phần chụp từ trên cao

Nó mới chỉ bắt đầu nổi tiếng từ năm 1989, trở thành địa điểm du lịch khi bộ phim “Bi tình thành thị” trở thành hiện tượng “hot” của điện ảnh Đài Loan do một số bối cảnh chính được quay tại nơi này. Mời xem chi tiết tại zingnews.

Từ khóa: review hướng dẫn kinh nghiệm đi làng cổ Cửu Phần ở Tân Bắc – Đài Loan như thế nào, khách sạn, tour tự túc, tàu điện, xe bus, mua gì

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *