[Review kinh nghiệm đi Quan Lạn]: đừng dại “lên dường” vào tháng 5-6-7-8

Posted by

Đảo Quan Lạn- Vân Đồn (Quảng Ninh) đẹp + hoang sơ lắm. Những ai yêu thích sự hoang sơ thì chắc chắn đi Quan Lạn sẽ muốn trở lại thêm một lần nữa. Tuy nhiên, đẹp thì rất đẹp, nhưng nếu không có kinh nghiệm, chuyến đi sẽ trở thành nỗi ác mộng dành cho bạn. Tại sao?

Review kinh nghiệm du lịch Quan Lạn

Biển ở miền Bắc nói chung rất xấu, thua xa các bãi biển tại miền Trung. Cho nên, những gia đình có điều kiện kinh tế ở Hà Nội, thường họ gom tiền, chuẩn bị cho một chuyến đi xa xôi vào tận Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc hoặc gần cũng là Lăng Cô – Đà Nẵng, Cửa Đại – Hội An…

Review du lich Quan Lan (3)
Khu du lịch đảo Quan Lạn rất đẹp nhưng bạn sẽ đỡ ác mộng nếu đọc kỹ review này

Chỉ những gia đình không có điều kiện, ngại đi xa thì họ mới đi Cô Tô, Quan Lạn. Tôi nói như thế thì cũng không đúng lắm. Bởi cũng có nhiều gia đình giàu có, họ đã đi khắp các nơi và họ muốn tới những nơi mới mẻ, không bỏ sót nơi nào cả. Vì vậy, Cô Tô, Quan Lạn không thể thoát khỏi tay họ.

Tuy nhiên, theo tôi thấy thì các địa điểm như Quan Lạn, chủ yếu dành cho các nhóm trẻ đi du lịch kiểu phượt, phủi, bụi… là chính.

Ở trên, tôi có nhận xét chung rằng biển ở miền Bắc nói chung không đẹp bằng biển miền Trung. Nhưng đó chỉ là các bãi biển ở gần bờ, ví dụ Trà Cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò… còn nếu ra tới các đảo thì cũng đẹp và sạch không kém các bãi biển, bãi tắm tại miền Trung đâu.

Biển trời Quan Lạn lúc hoàng hôn
Biển trời Quan Lạn lúc bình minh

Và đảo Quan Lạn là một trong những bãi biển như thế. Thậm chí, theo tôi, các bãi tắm ở Quan Lạn còn đẹp hơn cả Cô Tô (mặc dù nằm ở xa hơn) và ăn đứt các bãi biển khác ở miền Bắc mà tôi đã kể, như Trà Cổ, Tuần Châu – Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò…

Bởi vì nước biển ở đảo Quan Lạn trong tới mức khi lội xuống, có thể nhìn rõ từng ngón chân bên dưới. Trong thì có cảm giác sạch. Thêm nữa, ví dụ như bãi Minh Châu trên đảo Quan Lạn, cả rẻo kéo dài 3-4km, cứ thoải dần ra nên tắm rất thích, cảm giác an toàn, chứ không dốc tuột xuống như bên Cát Bà (mà các vụng tắm ở Cát Bà chỉ như cái ao, nhìn phát chán).

Nhân tiện mô tả về vẻ đẹp đảo Quan Lạn, tôi ấn tượng nhất khi đặt chân tới đây là nhà cửa còn khá thưa thớt, những con đường cũng cũ kỹ, chạy dưới những hàng cây thẳng tắp. Trên đảo có nhiều cây xanh, biển trời hòa hợp, có nhiều không gian ngắm cảnh.

Rất nhiều cảm xúc lạ khi đặt chân tới Quan Lạn
Rất nhiều cảm xúc lạ khi đặt chân tới Quan Lạn

Đảo thì nhỏ, vừa tầm đi lại khám phá. Không có nhiều địa điểm để vui chơi, nên nhu cầu ăn là chính. Mỗi tội là hàng hóa, hải sản đắt xắt ra miếng, cái khách sạn giá book một đêm tới 900-1tr thì chỉ như cái nhà nghỉ, chỉ đáng khoảng 300K. Phong cách phục vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp, đúng kiểu “nhà quê làm du lịch”.

Cái làm tôi ấn tượng nhất là trên đảo rất nhiều cát trắng. Cứ nghĩ phải vào Quảng Bình, Quảng Trị, Nha Trang, Ninh Thuận, Phú Yên… mới nhiều cát trắng, chứ ở miền Bắc, tôi chẳng thấy có chỗ nào có cát trắng.

Nhưng ra Quan Lạn thì có cảm giác cả đảo nằm trên cát trắng. Tất nhiên hiện nay các đồi cát đã đất hóa nhưng vẫn còn nhiều bãi đẹp. Thậm chí có cả dòng sông cát trắng, tôi đã review + đăng ảnh tại đây: https://du-lich.net/dong-song-doi-bo-cat-trang-quan-lan/

Đảo Quan Lạn ở đâu – chắc bạn đã biết

Quan Lạn là một hòn đảo thuộc huyện Vân Đồn – Quảng Ninh, nằm trong hệ thống vịnh Bái Tử Long. So với Cô Tô thì Quan Lạn nằm gần bờ hơn. Cả hai đều có chung cảng xuất phát là cảng Cái Rồng ở Tt Cái Rồng – Vân Đồn. Tuy nhiên, từ Cái Rồng ra Quan Lạn chỉ mất tầm 45 phút, nếu sóng to gió lớn thì mới mất tầm 1 tiếng.

Vân Đồn ở đâu thì bạn xem thêm cái này (nhưng nói nhanh gọn là nằm ở mạn Đông Bắc của miền Bắc).

Bãi biển trên đảo Quan Lạn, vào các tháng 3-4 và 8-9-10 vắng như chùa Bà Đanh
Bãi biển trên đảo Quan Lạn, vào các tháng 3-4 và 8-9-10 vô cùng thưa vắng khách

Gọi là đảo Quan Lạn nhưng trên đảo có 2 xã nằm kề nhau là Quan Lạn và Minh Châu. Vì thế, có thể đọc review trên các diễn đàn, facebook… bạn thấy họ nhắc tới các bãi tắm Minh Châu, Sơn Hào, Quan Lạn… thì cần biết rằng, đó là các bãi ở đảo Quan Lạn.

Cái tên của xã Quan Lạn được gọi chung cho cả đảo luôn. Cả đảo có hình một con cá sấu thì xã Quan Lạn nằm ở phía nam còn xã Minh Châu nằm ở phía Bắc. Và trên đảo có 2 bến cảng để tàu du lịch, tàu cá cập vào là cảng Sơn Hào (xã Quan Lạn) và cảng Cồn Trụi (xã Minh Châu).

Bạn đi tàu nào, cập cảng nào rất quan trọng, liên quan tới việc bạn đặt khách sạn ở đâu, có gần các bãi tắm không, để đỡ tốn tiền xe đi lại.

Trước khi nói về kinh nghiệm đặt phòng khách sạn tại đảo Quan Lạn, tôi muốn giúp bạn hình dung một chút về vị trí các bãi tắm nằm trên đảo để quyết định xem ở đâu và đi từ bến cảng nào cho gần.

Khu du lịch Quan Lạn trông như thế nào?

Dọc theo “hình con cá sấu”, phía Tây của đảo chính là trông về đất liền (cảng Cái Rồng) còn phía Đông là biển và đảo Cô Tô. Ở phía Tây không có sóng nên chẳng có bãi biển nào. Cho nên, các bãi biển đẹp đều nằm hết ở phía Đông của đảo.

Hình ảnh bãi tắm Minh Châu ở xã Minh Châu - mé Đông của đảo
Hình ảnh bãi tắm Minh Châu ở xã Minh Châu – mé Đông của đảo

Dọc mạn bờ Đông, gồm có các bãi tắm sau, lần lượt là: bãi tắm Cồn Trụi, bãi tắm Minh Châu, bãi tắm Robinson, bãi tắm Sơn Hào, bãi tắm Quan Lạn… Ngoài ra còn nhiều bãi lắt nhắt nữa nhưng không có khách và ít ai lui tới.

Hai cảng tàu khách cập vào là cảng Cồn Trụi nằm ở phía Bắc của đảo và cảng Sơn Hào nằm ở giữa đảo (đều về mé Tây).

Trước đây, trên đảo chỉ có 2 bãi tắm chính là bãi Minh Châu nằm ở xã Minh Châu và bãi Sơn Hào nằm ở xã Quan Lạn. Trong đó, bãi Sơn Hào do một tập đoàn đầu tư khai thác, nay trở thành khu vực có tên gọi là Vân Hải Resort (Vân Hải Xanh và Vân Hải Đỏ) – cái này thì bạn tìm hiểu thêm, tôi chưa có thời gian check lại.

Còn bãi Minh Châu là bãi mới mở nên dân đua ra làm du lịch. Tuy nhiên, bãi tắm Minh Châu lại đẹp và hoang sơ hơn bãi Sơn Hào – Quan Lạn nên hiện nay có nhiều khách tới tắm và đặt phòng hơn. Theo xu thế thì cứ chỗ nào mới mở, còn hoang sơ sẽ rẻ hơn, có nhiều người thích đến hơn.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm một chút, là theo cảm nhận của tôi, bên xã Quan Lạn mới là nơi ban đầu cư dân tới đây sinh cơ lập nghiệp. Trải theo nhiều trăm năm, đến nay tại trung tâm xã Quan Lạn (nằm ở phía nam của đảo), đã hình thành một ngôi làng lớn, nhà cửa ken dày, san sát. Thậm chí ở đó còn có 1 ngôi đình cổ rất đẹp và lớn mà khi ra đảo Quan Lạn, bạn không thể không ghé thăm.

Hình ảnh bến tàu tại cảng Cái Rồng, nơi bạn mua vé lên tàu ra Quan Lạn
Hình ảnh bến tàu tại cảng Cái Rồng, nơi bạn mua vé lên tàu ra Quan Lạn

Vì thế, trước đây thì các tàu ở Tt Cái Rồng đi ra là đi thẳng về Quan Lạn. Hiện nay có nhiều nhóm khách du lịch vẫn đi tàu cập cảng này. Nhưng trên thực tế, cái cảng tàu du lịch chính lại cập vào cảng Cồn Trụ ở phía Bắc để trở về bãi Minh Châu cho gần.

Do ở mạn nam, nhà cửa, dân cư đông đúc, tàu cá nhiều nên các khu du lịch mới dịch chuyển và phát triển ở mạn Bắc đảo (là xã Minh Châu). Cũng vì vậy mà tôi có cảm giác, các bãi tắm ở xã Minh Châu sạch hơn, đẹp hơn bên xã Quan Lạn.

Các bãi tắm ở Minh Châu có cảm giác sạch và đẹp hơn bên xã Quan Lạn
Các bãi tắm ở Minh Châu có cảm giác sạch và đẹp hơn bên xã Quan Lạn

Bởi vì tôi quan sát thì rất nhiều khách du lịch đặt phòng tại các bãi ở Sơn Hào, Quan Lạn nhưng chiều chiều vẫn phải thuê xe tuk tuk chạy cả nhóm lên bãi Minh Châu để tắm. Hỏi han, họ bảo bãi tắm Minh Châu đẹp hơn bãi Sơn Hào.

Cho nên, đặt phòng ở đâu rất quan trọng. Kinh nghiệm mà tôi muốn share với bạn là nên ưu tiên tìm các khách sạn ở gần Minh Châu, chứ nếu bạn đặt khách sạn ở bên xã Quan Lạn thì xa quá. Vì khoảng cách từ Quan Lạn sang Minh Châu là 10-15km, mỗi chuyến thuê xe tuk tuk tốn hàng trăm ngàn. Đây là bài hướng dẫn bạn chọn các khách sạn phù hợp khi bạn đi du lịch đảo Quan Lạn: https://du-lich.net/khach-san-o-quan-lan/

Và nếu thuê khách sạn ở bãi Minh Châu thì bạn nên cập cảng vào Cồn Trụ. Từ đây, bạn gọi xe tuk tuk ở mé Tây đi vòng về bãi Minh Châu ở mé Đông chỉ có khoảng 5-7km, mỗi xe chỉ mất vài trăm ngàn đồng.

Tôi rất thích cảm giác ngồi trên chiếc xe tuk tuk, đi một đoạn đường xóc xách trên cái đảo hoang, cảm giác phủi phủi như đi khám phá vùng đất xa lơ xa lắc, lúc lượn trên đồi khi vòng bãi biển. Gặp tiết trời nắng vàng hoe, trong ánh hoàng hôn thì càng đẹp nữa.

Bạn nên đi Quan Lạn vào tháng mấy để tránh mưa gió bão lớn

Mà nói một hồi có lẽ bạn sẽ hình dung Quan Lạn đẹp lắm, hoang sơ lắm. Tuy nhiên, sự thật nhiều khi chưa chắc đã làm bạn thích. Bởi có những thứ có thể khiến bạn cụt hứng. Ví dụ như ai thích vui, muốn được bay nhảy nhiều nơi, lên xe máy phóng ầm ầm chỗ này chỗ kia, thì đúng là ở Quan Lạn không có.

Có những người bảo đi Quan Lạn buồn như chấu cắn. Tại vì không có nhiều chỗ để chơi. Thực sự thì đúng như thế, theo kinh nghiệm đi Quan Lạn của tôi, chỉ nên ở đây khoảng 1-2 đêm là cùng. Thậm chí 1 đêm cũng được. Nếu ngại mệt thì 2 đêm.

Đi Quan Lạn để ngắm đất trời là chính
Đi Quan Lạn để ngắm đất trời là chính

Ra đảo Quan Lạn, có lẽ là chỉ để tắm biển và ngắm cảnh núi đồi trời biển là chính. Và ăn uống hải sản nữa. Nhưng cái ác mộng đầu tiên là hải sản đắt xắt ra khúc. Cứ nghĩ ở đất liền thì sẽ được ăn hải sản phưỡn bụng, nhưng chẳng có giấc mơ trưa đó đâu.

Vì hải sản ở đây còn đắt gấp đôi, gấp rưỡi đất liền. Tại vì nếu dân có đánh bắt được hải sản thì họ cũng chở thẳng về cảng Vân Đồn chứ không mang vào Minh Châu – Quan Lạn.

Thế là, tôm cá cua ghẹ mực lại phải đem từ cảng Cái Rồng – Vân Đồn ra đảo. Mà trên đảo thì cảm giác nghèo, cái gì cũng thiếu, cũng đắt, kể cả rau cỏ. Tuy nhiên vẫn có chỗ ăn ngon + bổ + rẻ nếu bạn biết mánh, hãy đọc ngay bài viết này: https://du-lich.net/an-uong-o-quan-lan/

Tuy nhiên, ăn uống đắt đỏ không phải là câu chuyện chính. Mà nỗi ác mộng đối với nhiều người lại là đi du lịch đảo Quan Lạn vào đúng mùa mưa gió bão.

Nếu trời nắng ráo, không có bão, bạn chắc chắn được nhìn ngắm những cảnh này
Nếu trời nắng ráo, không có bão, bạn chắc chắn được nhìn ngắm những cảnh này

Thông thường, các gia đình ở miền Bắc hay đi Quan Lạn vào mùa hè, thường là tháng 6-7-8. Trời nắng nóng thì mọi người có nhu cầu đi tắm biển cho mát mẻ. Nhưng các tháng này lại là cao điểm bão lũ, mưa lớn ở miền Bắc.

Thông thường, bão hay đổ vào miền Bắc từ tháng 6 và 7. Đôi khi vào tháng 5 cũng có bão nhưng xác suất vào tháng 6-7-8 là nhiều nhất. Cũng có năm đổ vào tháng 8-9-10.

Mùa du lịch ở Quan Lạn, cao điểm là tháng 6-7 vì hai tháng này miền Bắc cực nóng, dân đi biển nhiều.

Cho nên, tôi đã chứng kiến rất nhiều nhóm khách du lịch bị kẹt ngoài đảo vì bão đổ bộ, trở về không kịp. Ví dụ, họ đã đặt phòng vào thứ 6 hoặc 7 và chiều nay đã lên đường. Trong khi mai hoặc ngày kia bão vào. Đúng hôm về thì bão vào, toàn bộ bến cảng bị phong tỏa, tàu du lịch phải di tản đi xa hàng chục cây số để tránh bão gió. Biển rất hung dữ, không thể nào trở về được, không có tàu nào được chạy, sóng đánh úp ngay.

Thế là họ phải nán lại đảo thêm 1-2 ngày nữa. Lại phải bỏ thêm tiền phòng, tiền ăn uống. Mà giá cả ngày thường đã đắt xắt ra miếng thì ngày mưa bão còn đắt gấp rưỡi, mà còn chưa chắc đã có để mua, để ăn vì hàng họ trong đất liền không thể đưa ra.

Cũng may giờ đỡ hơn trước, đảo cũng có điện chứ không dầu đèn như xưa. Nhưng nếu trên đảo có đông du khách thì cũng rất cực. Vì có những đợt tôi thấy, nhóm khách nào cũng nhớn nhác hỏi thăm nhau tàu đã chạy lại được chưa, đã bỏ lệnh cấm biển chưa, để còn gọi xe tuk tuk ra cảng, mua vé tàu về đất liền. Có thời điểm sau khi hết lệnh cấm biển, sóng tạm yên hơn, cả trăm du khách đứng chật trên cầu cảng đợi tàu cập bến. Khổ nhất là các gia đình đem theo trẻ nhỏ.

Hành khách chờ đợi xếp hàng ở cảng Vân Đồn vì bị cấm tàu do biển động
Hành khách chờ đợi xếp hàng dài ở cảng Vân Đồn vì bị cấm tàu do biển động

Cũng may là ở Quan Lạn ít bị cấm biển hơn ở Cô Tô, chứ để đi ra đi về với đảo Cô Tô, cứ hễ biển động một cái là cấm tàu luôn. Đã từng có những vụ tàu cao tốc bị lật vì biển động sóng lớn.

Quan Lạn sẽ ít bão hơn nếu bạn đi vào tháng 3-4-5 nhưng tháng 3 thì còn lạnh. Tháng 4 thì bắt đầu nóng nhưng vẫn nhiều mưa, có ngày vẫn lạnh, chả ai buồn tắm.

Cho nên, đi đảo sướng nhất là tháng 5-6-7 nhưng đúng là rất hên – xui vì nếu gặp bão thì chỉ có ngồi trong phòng mà ngủ chứ đi chơi còn chả nỗi nữa là ra tắm biển.

Nói vậy chút thôi, chứ không phải khi nào cũng có bão. Cả tháng giỏi lắm có một cơn bão là cùng, thậm chí có năm không có bão. Nên việc đi thì cứ đi, ra đảo săn bão cũng có cái thú phiêu lưu của nó. Để nắm thông tin sắp tới có bão hay không, bạn lên đây mà check (rất đơn giản)

Có điều, kinh nghiệm đi du lịch đảo Quan Lạn nhiều lần của tôi là nên thủ theo kha khá lương thực, thực phẩm để phòng sự cố, ví dụ mì tôm, nước uống, bia bọt, đồ ăn nhẹ và cũng phải dư một khoản tiền để nhỡ có bị mắc kẹt lại 1-2 hôm do bão thì cũng không phải lo lắng.

Chỉ cần cầm theo 1,5 đến 2 triệu đồng, thoải mái quậy tung Quan Lạn. Tôi làm cách nào: https://du-lich.net/chi-phi-di-quan-lan/

Từ khóa: review chia sẻ cẩm nang kinh nghiệm đi du lịch đảo Quan Lạn, nên đi tháng mấy đẹp, an toàn, không cấm biển

One comment

  1. Em thấy chiều dài đảo Quan Lạn chỉ có 7km chứ không phải 14km như các nhà xe nói đâu. Họ đục hết các chữ số trên cột cây số để móc tiền của du khách thuê xe tuk tuk đấy các bác

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *