
Lùng Cúng là một đỉnh núi ngàn mây ở huyện Mù Cang Chải (nơi được xác nhận là thiên đường ruộng bậc thang đẹp nhứt Việt Nam). Mới nghe cứ tưởng ai đó viết sai chính tả của từ “lủng củng”. Nhưng tên thật của nó là Lùng Cúng nhá.

Thông tin đỉnh núi Lùng Cúng
- Địa chỉ ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)
- Dù chỉ cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 27km nhưng Lùng Cúng (Nậm Có) giống như ốc đảo
- Từ trung tâm xã Nậm Có vào bản Lùng Cúng phải đi khoảng 3 tiếng đồng hồ bằng xe máy
- Bản đồ đường đi + vị trí núi Lùng Cúng
- Đặc điểm của núi Lùng Cúng + xã Nậm Có: cảnh quan thiên nhiên hoang sơ + đa dạng. Có cả đồng cỏ lẫn rừng nguyên sinh

6 loài “cây đặc biệt” ở đây là:
- Rừng cây dẻ cổ thụ (bạn đã từng ngắm mùa hoa dẻ chưa)
- Rừng trúc Nậm Có (cũng giống như rừng trúc ở Mồ Dề + Háng Sung)
- Rừng phong lá đỏ (đừng tưởng ở Nhật mới có rừng phong nhá)
- Rừng cỏ lau lên hình cực chill (như ảnh bên dưới)
- Rừng hoa đỗ quyên
- Rừng táo mèo cổ thụ 3.000 gốc


Cùng với đỉnh Tà Chì Nhù – Tà Xùa ở tỉnh Yên Bái thì hiện nay, Lùng Cúng cũng là một địa điểm trekking (chinh phục) để săn mây của nhiều bạn trẻ mê đi phượt. Đặc sản của Lùng Cúng là mây mà lị!
Vậy trekking đỉnh Lùng Cúng như thế nào, liệu có chinh phục được không, kinh nghiệm cần có những gì?
Mời cả nhà tham khảo review một lần “hành xác” ở đỉnh Lùng Cúng của Nguyễn Thảo Nguyên vừa “lên đỉnh” thành công ở đỉnh núi cao thứ 9 của nước mình…
NỘI DUNG
Review kinh nghiệm trekking đỉnh núi Lùng Cúng ở Mù Cang Chải
Review hành trình trekking chinh phục đỉnh Lùng Cúng: cao 2.913m – một cuộc hành xác thực thụ nhưng đáng thử!

Mình từ Đà Lạt về Hà Nội vào đêm thứ 5 thì chiều thứ 6 lên ngay Mù Cang Chải để đi leo núi.
Gấp gáp, hối hả. Mình có cảm giác không đủ sẵn sàng để leo lên đỉnh Lùng Cúng – đỉnh núi cao thứ 9 ở Việt Nam và độ khó trekking của nó thì xếp thứ 5 Việt Nam.
Nhưng mình vẫn liều, một phần vì công việc và nhiều phần khác là vì mình có nhóm máu liều í ạ!

Đêm thứ 6 nghỉ ở bản. Sáng thứ 7 đi họp cán bộ xã, sau đó về đi leo núi, không cả kịp ăn sáng nữa.
Những con xe Win chở khách đi qua đường đất dốc đứng, suối đầy sỏi đá và cả những hộc nước ngập ngang bánh xe. Win là loại xe phổ biến nhất với bà con người H’mông ở đây vì nó là phương tiện chạy tốt trên các địa hình hiểm trở như ảnh dưới:

Đi xe máy gần 10km từ xã Nậm Có vào bản Tu San. Má nó, tim mình muốn rớt ra ngoài vì đường dốc, đất đá nhập nhằng chằng chịt:

- Dân chạy “off road” cũng phải gọi các anh porter kiêm xe ôm H’mông ở đây bằng “cụ” luôn!
- Ngồi sau xe 30 phút mà mắt nhắm tịt, người căng cứng vì phải gồng gò để cái mông không văng ra khỏi yên xe.

Và cuộc chu du Lùng Cúng bắt đầu…
Leo Lùng Cúng nào!!!
Đi bộ hơn 8km đường rừng âm u + dốc + mưa lên cái lán nằm cách đỉnh khoảng 2,5km.

Đi bộ từ 10 giờ sáng, 12 giờ 30 ăn trưa ở suối với vịt hun khói và xôi nếp mang từ bản lên.

Sau đó tiếp tục đi sâu vào rừng mờ sương, leo dốc lên núi.
Tới 14 giờ chiều thì trời bắt đầu mưa rào. Trời thì tối như 17 – 18 giờ chiều mùa Đông. Nhìn đồng hồ thấy mới 15 giờ chiều và mới đi được hơn 1/2 chặng đường, nản thấy mồ!

Nản nhưng mình không dám la mệt, vì la cũng chỉ mệt thêm chứ chả được gì. Vì 2 anh porter đã gùi quá nhiều đồ mà còn không than thở thì mình than thở cái gì?
Kinh nghiệm trekking đỉnh Lùng Cúng
- Tips để đỡ mệt là thở sâu, thở đều, nghỉ ngắn và keep moving!
- Thi thoảng mình vừa đi vừ hát cho đỡ mệt.
À, trên đường đi có 2 con chó của các porter đi theo. Mình tự nhủ “con chó đi được, mình cũng đi được, không thể thua con chó được!”


Tầm 17 giờ kém mình lên đến lán. Trời tối mù, mình sà vào bên bếp lửa sưởi ấm và hong áo cho khô.


Lân la làm quen, hót chuyện với các bạn phượt trong đoàn khác. Đợi các anh porter nướng gà nướng thịt cho ăn tối.

Ngồi kể chuyện văn hoá người H’mông, vui lắm. Xong ngâm chân lá thuốc rồi đi ngủ sớm để mai đi ngắm mây, ngắm “bềnh mênh”…
Đêm lạnh không ngủ được
Tối sương xuống ướt cả chỗ nằm. Mình cuộn như con kén trong túi ngủ. Thiếu chăn đắp vì có khoảng 100 người ở các lán, quá tải!
- Ba cái lán mà chỉ có 1 cái nhà vệ sinh. Mọi người xếp hàng như trẻ em xếp hàng vào lớp í
- Đến ngày thứ hai thì em Thảo Nguyên đã tự ý thức được việc này và chủ động đi “tưới cây rừng”
Mình là dân đồng bằng, không giỏi đi rừng, lại còn dính mưa lạnh, tối đến đau họng, đau cơ không ngủ được, bèn uống 2 viên panadol extra vào, một lúc sau thấy đỡ hơn, ngủ được 1 tiếng.

Khoảng 2 giờ 30, mình không ngủ tiếp được vì lạnh tun vòi. Quyết định dậy rồi đi ra bếp lửa sưởi ấm, tiện thể lân la ăn chực cháo gà của đoàn ở lán bên kia. Mưa tạnh, trời quang, trăng sao sáng lung linh sau các vòm cây.
Thằng cu trong bức ảnh bên dưới mới 7 tuổi, bé như cái kẹo. Nó là con của 1 porter, theo bố mẹ đi lên núi. Nó đi nhiều nên quen, sáng sớm mới 3 giờ đã dậy chạy ra bếp lửa, cầm cái bút vừa viết vừa run. Hỏi không thấy nói gì, hóa ra chưa biết tiếng Kinh.

“Lên đỉnh”
Khoảng 3 giờ 45 gọi mọi người dậy để kịp khởi hành lên đỉnh lúc 4 giờ 30.
Đúng giờ đoàn lên đường, đi trong màn đêm, hơi rừng lạnh đến nỗi chai nước lọc để ngoài trời mà như lấy ra từ tủ lạnh.
Đoàn người soi đèn pin và đi lên đỉnh núi, càng lên cao càng thấy trời sao hiện rõ, biển mây lấp ló trong đêm.

Khoảng 5 giờ 30: Đã chạm chân tới đỉnh Lùng Cúng. Biển mây bao la, mây giăng che khuất cả bình minh, chỉ thấy hừng đông chói loá.


Nhiệt độ trên đỉnh núi rơi vào khoảng 8-10 độ C. Nhưng gió buốt lạnh, đến nỗi tay mình cứng đơ, mất cảm giác. Chỉ có mắt là đủ tỉnh táo để bắt trọn quang cảnh thiên nhiên tuyệt đỉnh ở chốn này.



Khoảng 6 giờ 30 quay về lán. Mình để đoàn mình theo guide đi trước, còn mình nhởn nhơ ngắm cảnh, chụp ảnh rồi về sau.
Lúc về thấy 1 anh porter đứng đợi, mới biết là các anh sợ mình đi lạc nên đứng đợi hơn 15 phút rồi.
Má, mình thì đi chơi, vừa đi vừa ăn, chậm hơn đoàn gần 30 phút. Thế quái nào vẫn về đến lán trước cả đoàn vì cả đoàn đi lạc còn mình thì không.

Về lán ăn sáng bằng cháo gà, sưởi ấm bên bếp lửa, no cái bụng, ấm cái thân thì lên đường “hạ sơn”.



Trở về vẹn nguyên
Quay về tới bản vào giờ lúc 14 giờ, vẫn còn nguyên em Thảo Nguyên nha, nhưng mệt lử, cảm cúm, thiếu ngủ, đến ngày và quáu rạu cả lên, cáu bẳn như chó.

Quyết định ở bản thêm một ngày để hồi sức và thanh toán nợ nần đầy thân cho bà con trong bản.
Sau một giấc ngủ tít thò lò thì người ê ẩm, chân đau, căng cơ, nước mũi thò lò, quần áo thì mặc lại vì có mang nhiều đồ đi đâu. Ôi cảm giác thân xác này như một kẻ ăn mày khốn khổ!

Thông tin thêm về bản Lùng Cúng
Bản Lùng Cúng có khoảng 182 hộ với trên 1.000 người sống. Bản Lùng Cúng hiện nay sáp nhập từ 2 bản, gồm bản Phình Ngài và bản Lùng Cúng. Bản có 6 dòng họ: Cháng, Giàng, Thò, Vàng, Lý, Lù đều là đồng bào dân tộc Mông.
Ở đây còn giữ nguyên bản sắc văn hóa lẫn cảnh quan thiên nhiên. Tuy nghèo khó nhưng người Mông sống hiền lành, thân thiện.
Một số câu hỏi có thể mọi người còn băn khoăn và tìm kiếm:
Leo núi Lùng Cúng mùa nào an toàn nhất?
Từ tháng 5 – 8 thì không nên trekking Lùng Cúng vì đây là mùa mưa, đường trơn + nguy hiểm, dễ có lũ, đường bị mất dấu nên dễ lạc.
Mùa săn mây đẹp nhất
Mùa lúa chín + mùa táo mèo Lùng Cúng (tháng 9+10)
Nói tới Yên Bái là nói tới quê hướng táo mèo. Mà nói tới táo mèo thì phải nói tới Mù Cang Chải. Nhưng nói tới táo mèo Mù Cang Chải thì phải nói tới mùa táo mèo Lùng Cúng (đây mới là quê hương táo mèo Yên Bái):


- Mình đã từng đi Yên Bái rất nhiều lần thì thấy thường mùa lúa chín cũng là mùa táo mèo chín (bán đầy đường)
- Cụ thể là các tháng 9+10 là mùa táo mèo chín nha
- Ở bản Lùng Cúng có hơn 3.000 gốc táo mèo
Bản đồ Google Map:

Nếu bạn đi du lịch + trekking Lùng Cúng, xin chung tay bảo vệ di sản văn hóa + cảnh quan thiên nhiên hiếm có này. Đừng xả rác!!!
Tháng 10 và 11 leo núi Lùng Cúng là chuẩn nhất. Trời không mưa cũng không lạnh quá. Thân!!!