Review đi Hà Giang từ Bắc Kạn – Cao Bằng của Hoàng Hà

Posted by

Có nhiều cách đi cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang), nhưng bài review này của Hoàng Hà sẽ hướng dẫn mọi người cách đi Hà Giang từ mạn Bảo Lạc (Cao Bằng). Rất lạ và thú vị!!!

Sông Nho Quế và cung đường Hạnh Phúc. Từ Bảo Lạc sang là gặp cảnh này
Sông Nho Quế và cung đường Hạnh Phúc. Từ Bảo Lạc sang là gặp cảnh này

Tóm tắt hành trình:

  • Từ Hà Nội, mọi người có thể đi lên Hà Giang theo đường Bắc Cạn – Cao Bằng
  • Hành trình: Hà Nội – Thái Nguyên – TP Bắc Cạn – hồ Ba Bể – Phia Oắc (Nguyên Bình) – Bảo Lạc (Cao Bằng) – Mèo Vạc – Đồng Văn – cột cờ Lũng Cú
  • Phương tiện: đi bằng xe máy kiểu đi phượt hoặc đi kết hợp xe khách + xe máy. Từ Bảo Lạc sang cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc nên đi xe máy để ngắm đèo Mã Pì Lèng. Tại Bảo Lạc có dịch vụ cho thuê xe máy
  • Tại Đồng Văn, check in các địa điểm tham quan như khi đi theo cung đường Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang thoai!!!

Hà Giang, vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Ngày nay nhờ phát triển du lịch nên Hà Giang không còn xa lạ với nhiều người.

Hình ảnh Hà Giang gắn liền với cao nguyên đá, những con đèo hùng vĩ, những ngôi nhà trình tường cổ và đồng bào dân tộc quanh năm lam lũ vất vả, những em bé vùng cao lem luốc chơi trên dốc, dưới cái nắng chói chang hoặc cái lạnh cắt da cắt thịt…

Từ Bắc Cạn – Cao Bằng đi Hà Giang thế nào?

Chắc hẳn rằng ai cũng từng có mong muốn được đặt chân tới Hà Giang dù chỉ 1 lần.

Phương tiện

Để tới được Hà Giang, có 3-4 cách để di chuyển và lịch trình để lựa chọn. Nếu ai thích phượt thì có thể chọn xe máy làm phương tiện đi lại, ngoài ra còn có xe khách bình dân, xe giường nằm máy lạnh, xe du lịch chất lượng cao…

Cung đường

Đa số mọi người đi Hà Giang theo cung đường từ Hà Nội đi thẳng lên Tuyên Quang rồi tiếp tục lên Hà Giang. Đây là cung đường ngắn nhất.

Nhưng nếu mọi người chán cung đường này vì không đẹp mà muốn kết hợp đi chơi Bắc Cạn, Cao Bằng thì hôm nay mình xin “vẽ” một cung đường khác cũng rất thuận tiện cho việc di chuyển và quan trọng là mọi người sẽ được dịp tụt tạt qua một số địa điểm rất nổi tiếng trên hành trình như đỉnh núi Phia Oắc (mùa Đông băng tuyết phủ trắng), hồ Ba Bể xanh ngút tầm mắt vào mùa hè.

Đó là cung đường Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Hà Giang mà trong bài review này mình hướng dẫn ạ. Những ai yêu phượt, đam mê du lịch bằng xe máy thì đừng bỏ qua cung đường này nhé.

Khởi hành từ Bắc Kạn đi Nguyên Bình

Tụi mình chỉ có 2 đứa con gái. Mình khởi hành từ Bắc Cạn, còn bạn mình thì đợi ở trên Bảo Lạc rồi. Lên kế hoạch đi Hà Giang là đi luôn. Đang buồn đang chán ai tán là yêu.

Hà Giang! Thích là nhích nha
Hà Giang! Thích là nhích nha

Hành trang của hai đứa là 1 cái xe máy Lead với một đống quần áo rét, giày, mũ, vớ (tất), quần áo mưa và không quên đem theo vài miếng dán giữ nhiệt vì đi vào mùa Đông – Xuân nên rất lạnh.

Tầm 10 giờ sáng thứ 6, mình từ bến xe khách ở trung tâm Bắc Kạn nhảy xe khách đi Bảo Lạc (Cao Bằng).

Note

  • Nếu mọi người xuất phát từ Hà Nội thì ra bến xe Mỹ Đình hoặc bến Gia Lâm có rất nhiều xe đi Bắc Cạn hoặc đi Cao Bằng (nhưng cứ xuống ở Bắc Cạn nhé)
  • Ở Mỹ Đình cũng có xe khách đi thẳng lên Bảo Lạc. Nếu bắt xe này thì khỏi phải trung chuyển sang xe khác

Tầm 13 giờ chiều, xe khách chạy tới đỉnh núi Phia Oắc ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Phía Oắc là một địa điểm check-in của các bạn trẻ đi phượt đó ạ, nằm trên cung đường Hà Nội – Thái Nguyên – Ba Bể – Bảo Lạc – Mèo Vạc. Nếu ai đi xe máy thì tới đây thoải mái tụt ngang tạt dọc.

Băng phủ kín núi rừng Phia Oắc
Băng phủ kín núi rừng Phia Oắc

Hôm mình đi, đỉnh núi Phia Oắc phủ trắng băng tuyết. Nhưng muốn chụp ảnh với băng tuyết thì cần phải xuống khỏi xe khách và di chuyển lên đỉnh núi tầm 4,5km nữa (đã bảo là tiếc, nếu đi xe máy thì sẽ được sống ảo cùng băng giá). Nên mình quyết định không dừng lại vì xe không đợi, đành lỗi hẹn mùa Đông năm sau vậy.

Từ Bảo Lạc đi Mèo Vạc

Tới tầm 16 giờ chiều thì mình tới huyện Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng. Bạn mình đã đợi sẵn mình ở đó, chỉ chờ mình xuống xe khách là sẽ leo lên xe máy đi sang Mèo Vạc – Hà Giang.

Note: Bảo Lạc là huyện nằm ở phía Tây và khá xa TP Cao Bằng. Nó nằm gần Mèo Vạc hơn mọi người à. Nên nếu ai mà đi xe khách lên tận TP Cao Bằng rồi mới đi Bảo Lạc thì sẽ bị mua đường nhé. Còn nếu kết hợp đi du lịch TP Cao Bằng + Mèo Vạc – Đồng Văn thì mình không nói ạ.

À quên, Bảo Lạc – Cao Bằng cũng là nơi có nhiều địa điểm đẹp lắm: có thác 7 tầng nè, có đèo 14 tầng nữa nè (trong bài này có review đầy đủ kinh nghiệm check in sống ảo du lịch Cao Bằng í ạ: Review Cao Bằng- xăng đang rẻ, còn trẻ thì đi lun đi). Sống ảo thì cứ gọi là mê li luôn, nhưng mục tiêu của 2 đứa mình lần này là Hà Giang cơ nên cứ Mèo Vạc thẳng tiến.

Đèo 14 tầng trên đường Bảo Lạc - Mèo Vạc
Đèo 14 tầng trên đường Bảo Lạc – Mèo Vạc. Từ Cao Bằng sang cao nguyên đá Hà Giang, sẽ đi qua đoạn đường này

Thời gian di chuyển sang Mèo Vạc bằng xe máy với tốc độ rùa bò của 2 đứa con gái là 2,5 tiếng đồng hồ. Có nghĩa là đi từ 16 giờ chiều thì tầm 19 – 20 giờ tối sẽ sang tới Mèo Vạc. Tổng quãng đường là 73km, mọi người nên xem bản đồ để đi đường tắt sẽ ngắn hơn 20km.

Hành trình đã đi của tụi mình: Bắc Cạn – Phia Oắc (Nguyên Bình) – Bảo Lạc – Mèo Vạc

Tới thị trấn Mèo Vạc, bọn mình đi thêm vài cây số nữa tới làng du lịch Pả Vi (nằm trên cung đường Hạnh Phúc nhiều người biết).

Check-in làng du lịch cộng đồng Pả Vi

Đêm đầu tiên bọn mình ngủ ở làng du lịch Pả Vi. Nói qua về ngôi làng Pả Vi thì đây là một ngôi làng mới được dựng lên để làm homestay cộng đồng đón khách du lịch ạ.

Ngôi làng này có một khung cảnh rất nên thơ, đậm chất vùng cao. Những ngôi nhà tuy được xây mới nhưng vẫn dựa theo kiến trúc cổ của người Mông, một chút hiện đại xen lẫn một chút cổ kính, nằm hòa mình giữa núi non hùng vĩ, tạo nên vẻ đẹp riêng biệt mà có lẽ rất khó có thể tìm thấy ở một nơi khác.

Sáng hôm sau, vệ sinh cá nhân xong, từ Pả Vi, tụi mình lên đường (chính là cung đường lên đỉnh Mã Pì Lèng) để ra bến thuyền dưới sông Nho Quế (nơi người ta nói đi Hà Giang mà chưa qua sông Nho Quế chưa phải đi cao nguyên đá). Từ làng Pả Vi ra tới bến thuyền khoảng 5km.

Homestay mình ở chỉ có mì tôm trứng mà ở làng Pả Vi lại không có quán ăn sáng. Nếu muốn ăn sáng ngon hơn, cần phải quay lại thị trấn Mèo Vạc, nên tụi mình ra bến thuyền mua đồ ăn. Ở bến thuyền có khoai, bánh mì ngọt, nước mía ép và nhiều đồ ăn vặt cho mọi người lựa chọn.

Dạo chơi sông Nho Quế cũng như ai nha

Sau một hồi chạy xe máy quanh co vòng vèo qua con đường đèo dốc khá nhỏ thì tụi mình cũng tới chỗ gửi xe để đi bộ xuống bến thuyền. Từ đường xuống bến thuyền tầm 0,5km đường mòn dốc núi. Bọn mình thuê thuyền của nhà chị Hoa theo review của bài này: [Review] chèo thuyền dạo chơi sông Nho Quế. Chú lái thuyền siêu dễ thương, vé thuyền chỉ có 100.000 đồng/người.

Trên sông Nho Quế + hẻm Tu sản. Photo Đặng Thu Thủy
Trên sông Nho Quế + hẻm Tu sản. Photo: Đặng Thu Thủy

Thuyền đi một vòng qua hẻm Tu Sản. Bọn mình thỏa sức sống ảo, chỉ cần đưa điện thoại lên là đã có ngay một bức ảnh tuyệt đẹp luôn. Vì trời khá lạnh nên để có những form dáng đẹp cũng khá vất vả, nhưng cũng xứng đáng.

Dạo chơi ở hẻm Tu Sản, chụp ảnh chán chê xong, tụi mình cập trở lại bến, đi bộ lên đường chỗ gửi xe máy để tiếp tục hành trình sang Đồng Văn ạ.

Đường dốc và khá xa nên phải sau một hồi trầy trật, tụi mình cũng lên tới đường Hạnh Phúc. Có mấy em nhỏ thấy khách du lịch là chạy tới đưa những cây gậy nhỏ ra để kéo khách lên dốc, nhìn các e thật dễ thương, chúng mình ước gì lúc đó có một túi bánh kẹo to để phát cho các em, huhu.

Những em bé H'mông ở cao nguyên đá Hà Giang
Những em bé H’mông ở cao nguyên đá Hà Giang

Kết thúc hành trình chơi hẻm Tu Sản, ngắm sông Nho Quế, bọn mình lên đường đi Đồng Văn thoai!!! Lúc đó tầm 10 giờ 30.

Vượt Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng (ai muốn ngắm ảnh thì zô đây) quả thực là thử thách lớn với hai đứa con gái như tụi mình. Mình đi xe máy Lead và đèo thêm đứa bạn gái, vì sợ độ cao mà vừa lái xe chân mình vừa run lẩy bẩy í.

Trên những cung đèo đẹp miên man ở Hà Giang. Photo Nguyễn Bảo Phương
Trên những cung đèo đẹp miên man ở Hà Giang. Photo: Nguyễn Bảo Phương

Sau một hồi hai người thay nhau đèo (cầm lái) thì ơn trời, mình cũng qua được đèo Mã Pì Lèng. Phần thưởng xứng đáng cho tụi mình là vô vàn góc sống ảo siêu siêu đẹp hiện ra trước mắt. Bọn mình cũng chen chân ra được tòa nhà Panaroma, chụp được vài bức ảnh với góc ảnh thì nổi tiếng không cần phải nói nữa ạ.

Cafe ngắm sông Nho Quế
Cafe ngắm sông Nho Quế

Bụng đói meo ở Đồng Văn

Tầm 12 giờ trưa thì tụi mình tới được thị trấn Đồng Văn với cái bụng đói meo. Hai đứa lên khu phố cổ ăn cơm với lạp sườn, đậu rim cà chua, rau cải luộc và canh rau cải ngon tuyệt.

Nhớ bữa cơm với đậu rim
Nhớ bữa cơm với đậu rim
Phố cổ Đồng Văn. Photo Hà Ngọc Phương Thảo
Phố cổ Đồng Văn. Photo: Hà Ngọc Phương Thảo

Sau khi đã ấm cái bụng thì ra quán cà phê ở khu chợ cổ ngồi nhâm nhi cốc cà phê nóng, ngắm nghía cảnh vật, chụp ảnh tự sướng tới 14 giờ chiều thì lên đường đi cột cờ Lũng Cú.

Đoạn đường từ tt. Đồng Văn đi cột cờ Lũng Cú càng lúc càng thêm lạnh. Có miếng dán giữ nhiệt rồi nêm chật cứng quần áo rét trên người mà vẫn lạnh tê tái như muốn ngã.

Tụi mình tới chân cột cờ Lũng Cú vào tầm 15 giờ 30 chiều. Tới nơi cứ gọi là lạnh câm nín, bọn mình phi vào một tiệm tạp hóa xin sưởi lửa ké và xin một chậu nước nóng để ngâm chân cho khỏi cứng hết người.

Các nhóm đốt lửa sưởi cho đỡ lạnh
Các nhóm đốt lửa sưởi cho đỡ lạnh

Đã mắt ở đỉnh cột cờ Lũng Cú

Ấm người rồi, bọn mình di chuyển lên cột cờ Lũng Cú. Đường lên khá dốc, từ dưới đường chính lên đến gần chân cột tầm 0,5km. Ơn giời, mình với con xe Lead + cô bạn gái ngồi sau cũng lên đến bãi gửi xe.

Giờ tiếp tục đi bộ, có bậc đá mọi người nhé. Rét quá nên mình chẳng đếm nổi nữa, hình như đi hết tầm 20 – 30 phút, thở hồng hộc, nghỉ hai lần là lên tới nơi.

Check-in cột cờ Lũng Cú
Check-in cột cờ Lũng Cú

Thật sự là bõ công của hai đứa đi dưới cái trời 0 độ C của mùa Đông cực Bắc. Trên cột cờ Lũng Cú thỏa sức phóng tầm mắt ra thật xa, cảm nhận cái sự rộng lớn của đất nước mình, cảm nhận cuộc sống vất vả của những con người vùng biên, những chú bộ đội biên phòng, những anh thợ làm đường… đang hàng ngày hàng giờ xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Chụp ảnh trên cột cờ chán chê, hai đứa mình xuống bản Lô Lô Chải (bên dưới cột cờ) tìm homestay để ngủ lại qua đêm. Qua tìm hiểu và giới thiệu từ anh Văn Nguyễn, mình mới biết một cái homestay siêu đẹp tên là Homie (như ảnh dưới):

Homie ở Lô Lô Chải - Lũng Cú mùa Đông
Homie ở Lô Lô Chải – Lũng Cú mùa Đông

Đêm mùa Đông ở Homie Homestay

Vì Homie khá khuất nên phải sau vài hồi lòng vòng, thậm chí phải nhờ một cậu bé ra đón tụi mình mới tìm thấy nó. Vì trời tối, vì lạnh và mệt nên khi tới Homie chúng mình cứ như được cứu sống vậy.

  • Không biết phải dùng từ gì để tả về Homie nữa vì Homie quá đẹp và cô chú chủ nhà ở đây rất hiếu khách, thân thiện và chu đáo
  • Phòng ở Homie nhìn bên ngoài là ngôi nhà cổ kính, nhưng bên trong thì thật bất ngờ, tiện nghi ngoài sức tưởng tượng. Mình không nghĩ là một ngôi nhà trình tường cổ mà bên trong cũng có nhà vệ sinh, bồn tắm, vòi hoa sen và nước nóng
  • Đệm thì là đệm điện, chỉ là do hôm chúng mình ngủ ở Homie có xuất hiện băng giá, nhà trình tường không kín như nhà xây nên tối đó khá lạnh, nhưng cứu lại nhờ cái lò sưởi với cái đệm điện nên chúng mình cũng ngủ ngon giấc tới sáng
  • Nếu quan tâm, mọi người có thể xem bài: Nhớ 1 đêm ở Homie Homestay [Lũng Cú – Đồng Văn]

Bữa tối tại Homie, chúng mình ăn lẩu gà với nấm và rau củ quả. Thức ăn tươi ngon, hai đứa ăn no nê không hết, chỉ với 300K thoai!!!

Sáng hôm sau, sau khi ngủ dậy, cái xe máy để ngoài sân, mặt yên xe đóng đá trắng xóa. Hai đứa mình chụp ảnh cho nhau, những bức ảnh siêu siêu đẹp.

Homie có view nhìn ra cột cờ Lũng Cú, chỉ cần đưa điện thoại lên bấm tạch cái là đã có bức ảnh đẹp như trong tranh:

Từ Homie có thể trông rõ cột cờ Lũng Cú nè
Từ Homie có thể trông rất rõ cột cờ Lũng Cú nè. Photo: Hoàng Hà

Có nhiều ảnh đẹp thỏa đam mê sống ảo, bọn mình ra ngoài đường chính ăn sáng và lên đường đi tiếp tới “dinh vua Mèo“.

Thăm dinh vua Mèo + bản Lao Xa + nhà của Pao

Đoạn đường từ Lũng Cú đi “nhà Vương” hết tầm 2,5 tiếng đồng hồ. Do đường đang trong quá trình thi công sửa chữa nên thời gian di chuyển cũng mất nhiều hơn.

Trước cổng dinh vua Mèo
Trước cổng dinh vua Mèo

Tới nhà vua Mèo lúc 10 giờ 30, bọn mình chụp ảnh tham quan tới 12 giờ thì ra ngoài cổng ăn trưa. Cơm trưa với lạp xưởng và đậu rim cà chua với rau cải luộc, hai đứa hết 120K.

Đọc thêm: Cách đi chợ phiên Sà Phìn + dinh vua Mèo ở Đồng Văn

Đoạn đường từ nhà vua Mèo đến phim trường “Chuyện của Pao” mất tầm 30 – 40 phút. Tụi mình xuất phát từ nhà vua Mèo lúc 13 giờ thì tới 13 giờ 40 là tới phim trường Chuyện của Pao.

Cổng vào làng văn hóa Lũng Cẩm - nhà của Pao. Photo Đặng Thu Thủy
Cổng vào làng văn hóa Lũng Cẩm – nhà của Pao. Photo Đặng Thu Thủy

Chụp ảnh xong tiếp tục lên đường đi bản Lao Xa, đường đi khá dễ tìm, nếu không biết đường mọi người cứ hỏi người dân sống ven đường là họ hướng dẫn, vô cùng thân thiện.

Đường đi bản Lao Xa lên dốc khá tức, đường nhỏ, mình cũng phải hết sức dũng cảm mới đi qua hết con dốc. Sau khi lên khỏi dốc, cảnh tượng nơi đây không khiến mọi người thất vọng chút nào.

Cao nguyên đá mênh mông rộng lớn, những ngọn núi nhấp nhô đưa ta về một khung cảnh khiến con người ta hoài niệm về quá khứ, cái thủa còn hoang sơ khi những khái niệm về hiện đại hóa chưa từng tồn tại.

Đọc thêm: Check-in thôn Lao Sa ngắm hoa đào + hoa cải

Bản Lao Xa phù hợp với những ai ưa khám phá. Cảm nhận của mình về bản cổ này là mộc mạc, đơn sơ với những ngôi nhà trình tường cũ kỹ, những chuồng chăn nuôi gia súc nằm ngay cạnh nhà ở, phân rơi vương vãi ra đường…

Quay lại cung đường Đồng Văn – Mèo Vạc – Bảo Lạc – Cao Bằng – Bắc Kạn

Tạm biệt Lao Xa, tụi mình lên đường về lại Đồng Văn, băng qua con đèo Mã Pì Lèng lần nữa để quay về Mèo Vạc.

Tới Mèo Vạc trời đã sâm sẩm tối. Dưới cái lạnh gần âm độ, lại tiếp tục đi sang Bảo Lạc – Cao Bằng để đón chuyến xe khách lúc 19 giờ 30 tối quay trở lại TP Bắc Kạn.

Đường về còn xa
Đường về còn xa

Đoạn đường từ Mèo Vạc về Bảo Lạc do đang tu sửa, bọn mình về tới đó trời đã tối lại kèm thêm đường trơn trượt cộng thêm tâm lý sợ bị nhỡ chuyến xe khách cuối về nhà nên đi hơi vội và hậu quả là ngã sứt luôn hai đầu gối, may mà hai đứa không sao, keke.

Dưới đây là bản đồ cung đường từ Bắc Kạn đi Bảo Lạc và ngược lại trên Google Map để mọi người tham khảo:

Vậy là mình đã được đi Hà Giang rồi đó nha mấy người ơi, nhưng vẫn còn thèm trở lại. Nhớ lắm luôn. Hi vọng sẽ có ngày trở lại!!!

Thương nhớ Hà Giang (vol 2)
Thương nhớ Hà Giang (đợt vol 2). Photo: Thu Hương
  • Nếu ai đi Cao Bằng – Hà Giang vào mùa hè hoặc thu mà muốn nghỉ mát thì đừng quên ghé thăm hồ Ba Bể vì địa điểm du lịch này nằm trên cung đường Hà Nội – Bắc Cạn – Ba Bể. 
  • Từ Ba Bể, mọi người có 2 lựa chọn: Một là đi thẳng lên TP Cao Bằng du lịch (như review này). Hai là rẽ hướng đi Nguyên Bình – Bảo Lạc để sang Mèo Vạc + Đồng Văn (Hà Giang) như mình. 
  • Hoặc từ TP Cao Bằng (sau khi check in các địa điểm xong) sẽ có xe khách đi về Bảo Lạc. Từ Bảo Lạc thuê xe máy đi Mèo Vạc như hành trình bên trên ạ!!!

2 comments

  1. Mình có kế hoạch hết dịch covid 19 sẽ quay lại Hà Giang lần 2. Mình muốn trải nghiệm thôn Pả Vi. Bạn có sđt homestay ở đây cho mình xin nhé

Để lại 1 comment nhé

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *